Học Viện Truyền Thông Tiếp Thị Việt Nam - Since 2001

Tắm Đạo. Người Nhật không chỉ có “cung đạo”, “kiếm đạo”, “trà đạo”, “võ sĩ đạo”…, mà còn có “tắm đạo”!

Khi ở trong ngôi nhà Nhật, sống với người Nhật trên đất nước Nhật và, được chủ nhà mời đi tắm, khách mới ngỡ ngàng nhận ra: Người Nhật không chỉ có “cung đạo”, “kiếm đạo”, “trà đạo”, “võ sĩ đạo”…, mà còn có “tắm đạo”!

Cơm chiều xong khách được chủ nhà trao cho một cái túi vải lớn hơn bàn tay, thêu hoa văn xinh xắn, đầu túi có dây gút, bên trong có cái khăn tay, tuýp kem đánh răng nhỏ, bàn chải và một hộp bằng đầu ngón tay cái đựng chút chất dẻo màu hồng. Chủ nhà còn trao tận tay khách bộ Yukata (giống Kymono nhưng mỏng hơn dành mặc mùa Hè), hướng dẫn cách mặc, rồi giúp khách bới tóc gọn gàng. Nhìn mình tươm tất trong gương, khách thưa: “Chúng ta đi tiếp khách à?”. Chủ thân thiện: “Hây, mời khách đi tắm tập thể ạ.”. Điếng hồn chưa!

Từ nhà của chủ đến nhà tắm công cộng đi bộ khoảng hơn 200 mét, dọc đường khách thấy có người trẻ, già, ăn mặc và trên tay cầm túi vải, giống mình. Dừng lại trước ngôi nhà kiến trúc giống resort, chủ nhà hòa nhã cúi chào mọi người rồi mua phiếu tắm; khoảng hơn 1.000 Yên/người (200 ngàn VNĐ, khoảng 10 USD) – Với thu nhập bình quân của Việt Nam 1.400 USD/ người; Nhật Bản 36.000 USD/người thì, giá 10 USD cho mỗi lần tắm là không cao – Bước vào nhà tắm một lượt với khách có 4 nam và 5 nữ. May sao, nam giới rẽ trái, nữ giới rẽ bên phải. Khách thở phào, nhưng chưa phải là nhẹ nhõm.

tam-dao

Khách chủ động lùi lại vài bước để quan sát bà chủ làm gì rồi mới làm theo. Khách còn để ý cả thao tác của những người khách nữ khác. Khách thấy bà chủ bỏ lại đôi guốc đang mang và không quên xếp nó ngay ngắn trên kệ rồi mang vào đôi dép của nhà tắm công cộng. Tiếp theo bà chủ chậm rãi tháo bộ Yukata xếp vào tủ, lấy cái khăn lớn có sẵn trong tủ quấn quanh người, bà khóa cửa tủ lại. Trên tay bà chủ giờ chỉ còn cái túi vải, bà thong thả tiến vào một cái cửa có che tấm màn màu hồng (nghe nói bên nam giới tấm màn này màu xanh); qua khỏi cái cửa đó bà chủ để đôi dép lại. Khách cũng nín thở làm theo.

Nhà tắm công cộng mở òa ra trước mắt, có người đã ngâm dưới hồ, có người còn đang tẩy uế; tất cả đều “trong suốt”. Khách rơi vào hoàn cảnh tiến không dám mà lùi không xong. Bình tĩnh, khách nhìn quanh rồi cặp mắt dừng lại nơi có những tấm ảnh minh họa cách tắm của người Nhật từ thời xa xưa. Nhờ vậy mới nhận ra:Tắm công cộng phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt! Khi hiểu được văn hóa tắm tập thể của người Nhật, lập tức sự ái ngại giảm dần, khách hòa vào nhóm phụ nữ bản địa, lòng hoan hỷ, nhủ: Bây giờ phải nhớ quy trình tắm mà thực hiện, không được nhìn ai nữa vì, nhìn là khiếm nhã.

Như những vị khách nữ bản địa, khách ung dung tự tại trút bỏ cái khăn quấn quanh thân, bước thật khẽ đến nơi để ghế và chậu (ghế, chậu ở nhà tắm này làm bằng gỗ được đẽo gọt tinh tế) lấy một ghế cao, một ghế thấp và một cái chậu đem đặt nơi có một dãy kiếng, nhiều vòi nước cao thấp và kệ đựng hương liệu tắm, gội đủ loại, đủ màu sắc. Tại sao có nhiều ghế như vậy? Là vì, ghế thấp dùng vòi nước thấp để rửa chân, ghế cao dùng vòi nước cao để thanh tẩy thân thể; còn cái chậu để rửa mặt. Lúc này cái túi vải cầm theo mới được dịp phát huy tác dụng.

Lấy từ túi vải ra bàn chải và kem, khách chậm rãi đánh răng rồi lấy cái khăn ra đổ nước vào chậu rửa mặt. Đến cái đầu. Khách lấy vòi nước cao tưới lên tóc thực hiện quy trình gội đầu rồi ướp lên tóc một hương vị có mùi giống lá Sả, xong lấy cái khăn (mới rửa mặt) phủ lên tóc; để đó. Đến cái mặt. Cái hộp nhỏ có chất dẻo màu hồng trong túi vải được lấy ra thoa đều lên mặt theo vòng xoáy trôn ốc; lại để đó. Đến cái thân thể. Khách nhìn lên kệ thấy một dãy hương liệu tắm, chọn một mùi hương nhẹ bắt đầu tẩy uế từ cổ xuống chân. Xong, quay lại xả sạch tóc, sạch mặt, sạch thân thể, sạch bàn chân, ngón chân. Tất cả quy trình này khách không được đứng mà phải ngồi với hai chân khép, như vậy mới thanh lịch, như ảnh minh họa hướng dẫn tắm. Khi từ đầu tới chân đã thanh sạch, khách lấy cái khăn nhỏ che chỗ cần che rồi thận trọng bước xuống hồ. Khi nước ngập tới eo khách lấy khăn ra khỏi người đội trên đầu, bắt đầu ngâm nước nóng.

Mạch nước nóng tự nhiên (Onsen) là nguồn thu quan trọng của du lịch Nhật Bản

Hồ tắm được xây bằng gạch men xen với gỗ, hồ được thiết kế rất vệ sinh và thân thiện môi trường. Nguồn nước là mạch nước khoáng nóng tự nhiên (Onsen) hình thành từ những ngọn núi lửa đã hoặc đang hoạt động, nhiệt độ ổn định quanh năm (khác với Sentou là nước nấu nóng đổ vào bồn tắm). Nước tại nhà tắm này là nước khoáng nguyên chất, trị được nhiều bệnh, không chỉ chăm sóc cơ thể mà còn nuôi dưỡng tinh thần. Do vậy, dù gia đình nào cũng có nhà tắm nhưng đa số chọn nhà tắm công cộng như để cám ơn thân thể của mình sau một ngày làm việc căng thẳng. Khách tự hỏi: Tại sao lại phải “trong suốt” trong nhà tắm tập thể? Rồi tự trả lời: Khi không còn vướng vào cái che thân thì không còn cao – thấp, sang – hèn, dơ – sạch, thêm – bớt…

Cứ như vậy, người mới bước vào nhà tắm, người ngâm nước nóng xong ra về, người vừa thanh tẩy thân thể xong bước xuống hồ, không ai nhìn ai, không ai nói với ai, không ai nỡ gây tiếng động, tất cả như đang chiêm nghiệm, đang thiền động, đang “đối cảnh vô tâm”. Sự thụ hưởng này suy cho cùng cũng do hoàn cảnh sống. Một đất nước mưa không thuận, gió không hòa, liên tục thiên tai, đã tạo dựng cho người Nhật biết tận hưởng sâu sắc từng giờ từng phút sự bình an mong manh hiện có.

Khách còn cảm nhận và khâm phục tính cách của người Nhật: Không tỏ ra nổi bật cũng không thể hiện thấp kém, không ăn diện hơn cũng không nhếch nhác hơn; nhờ vậy giảm gây căng thẳng và hạn chế sự đố kỵ giữa người với người.

Trải nghiệm xong quy trình tắm, khách thấy mình như vừa thanh lọc thân tâm, không biết đặt tên là gì bèn gọi là “Tắm đạo”.

Không tự nhiên khách kể dài dòng về chuyện tắm (với người Việt Nam chúng ta, tắm là chuyện rất ư tế nhị), nhưng buộc phải kể là vì như thế này đây: Việt Nam của mình có nhiều mạch nước khoáng nóng, riêng Thừa Thiên Huế có vài nơi (Thuận An, Phong Điền, A Lưới,…). Thử nghĩ, nếu ở những nơi có mạch nước khoáng nóng, ta không chỉ đầu tư cơ sở vật chất mà còn xây dựng một quy trình tắm cho du khách lên tầm “Tắm đạo” (sạch thể chất và tâm hồn) thì, vừa gìn giữ và chia sẻ văn hóa thanh quý của người cố đô, văn hóa thanh sạch của người con Phật, vừa có thêm sản phẩm du lịch đặc sắc khác biệt và thêm việc làm cho người lao động, từ đó đương nhiên tăng nguồn thuế và tăng ngân sách địa phương.

Tắm đạo Thừa Thiên Huế – Tại sao không?

Tạ Thị Ngọc Thảo

————

(Bài đã đăng Báo Thừa Thiên Huế số ra ngày 2/9/2016)

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X