Doanh nghiệp dệt may hứng chịu “cơn bão” kép COVID-19

Trong khi nguồn cung nguyên liệu vừa được nối lại từ đầu tháng 3 giúp doanh nghiệp dệt may “thở phào”, nhưng nhiều đối tác do khó khăn xin dừng đơn hàng lại khiến doanh nghiệp lao đao.


Mặc dù EU và Hoa Kỳ không áp dụng bất kỳ biện pháp nào để hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Tuy nhiên theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương), do hàng loạt hệ thống bán lẻ tại châu Âu và Hoa Kỳ đóng cửa vì dịch COVID-19, nên những mặt hàng không thiết yếu như da giày, dệt may sẽ bị ảnh hưởng.

Xu hướng chính của các đối tác EU và Mỹ là muốn giãn thời gian giao hàng trong tháng 3, hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi. Chính lý do này đã khiến các mặt hàng như dệt may, da giày đang hứng chịu tác động kép từ dịch COVID-19. Nguồn nguyên liệu sản xuất vừa được cải thiện từ đầu tháng 3, nhưng nay lại gặp khó khăn ở thị trường đầu ra, đặc biệt EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực của dệt may, da giày.

“Mắc kẹt” đầu ra

Ông Nguyễn Văn Thời – Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư & Thương mại TNG (Thái Nguyên) cho biết, đối tác Pháp đã thông báo dừng nhận đơn hàng của họ vì COVID-19 đang lan nhanh tại châu Âu. EU là thị trường xuất khẩu chủ lực của TNG thời gian qua, với tỷ trọng khoảng 40%. Việc các đối tác dừng nhận hàng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải cơ cấu lại các mặt hàng sản xuất. Ông Thới dự tính, tới cuối tháng 4, doanh nghiệp sẽ tồn khoảng 200 container hàng xuất đi EU, Mỹ bị đọng lại các kho, thiệt hại không nhỏ khi mỗi container hàng trị giá vài chục tới hơn một trăm nghìn USD.

Một doanh nghiệp chuyên gia công hàng xuất đi Mỹ tại TP. HCM cũng cho biết, vừa nhận được thông báo từ khách hàng Mỹ dừng nhập khẩu trong 3 tuần. “Họ nói là tạm dừng, nhưng chúng tôi hiểu là có thể huỷ luôn đơn hàng, vì tình hình dịch bệnh phức tạp chưa biết tới bao giờ”. Nhưng rất may, các đối tác đều khẳng định sẽ nhận hàng, và chuyển trả gần hết luôn đơn hàng ngoài phần tiền cọc đã nhận khi ký hợp đồng trước đây. Điều này phần nào giúp doanh nghiệp có đủ đơn hàng chạy tới hết tháng 5.

 

Doanh nghiệp dệt may vừa giải quyết được nguyên liệu đầu vào thì lập tức “mắc kẹt” đầu ra.

Ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (thương hiệu Hugaco) chia sẻ, chúng ta vừa giải quyết được nguyên liệu đầu vào thì lập tức “mắc” ngay đầu ra. Một số đơn hàng bị hủy hoặc tạm hoãn. Thời gian mở LC kéo dài 120 ngày, trước kia là 60 ngày. Doanh nghiệp càng làm nhiều FOB càng khó khăn do vốn đọng ở nguyên phụ liệu. “Doanh nghiệp trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng. Quý I doanh thu của Hugaco đã giảm 20%”, ông Dương chia sẻ.

Dù là doanh nghiệp dệt may lớn, nhưng ông Thân Đức Việt – Tổng giám đốc May 10 cũng không khỏi lo lắng khi gặp khó khăn kép. Trong tháng 2, doanh nghiệp phải lo nhập nguyên vật liệu đảm bảo sản xuất liên tục, giờ đủ nguyên vật liệu thì dừng sản xuất, dừng giao hàng những lô đã sản xuất.

Ông Việt cho biết, các lô hàng đường biển của công ty trong tháng 3 phải lùi sang tháng 4 và 5. Ngoài ra, hàng trăm ngàn sản phẩm khác sản xuất cho khách hàng Mỹ đang trên chuyền sản xuất cũng bị khách hàng yêu cầu dừng. “Nếu việc ngừng này xảy ra trên diện rộng thì tổn thất sẽ rất lớn”, ông Đức Việt nói.

Chính phủ luôn bên cạnh doanh nghiệp

Cần theo dõi sát diễn biến tình hình của các quốc gia, đề xuất các giải pháp và đối sách cụ thể trong thời gian tới để ưu tiên triển khai khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Chính phủ cùng các Bộ, ngành sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Liên quan đến việc EU đóng cửa biên giới ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá, do đây là 2 thị trường quan trọng, ảnh hưởng đến mục tiêu và kế hoạch, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu trong chuỗi cung ứng.

Vì vậy, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ cần theo dõi sát diễn biến tình hình của các quốc gia trên, đề xuất các giải pháp và đối sách cụ thể trong thời gian tới để ưu tiên triển khai khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thống nhất cơ chế chính sách, tạo thuận lợi hỗ trợ thị trường.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, các vụ thị trường ngoài nước phải theo dõi kịp thời diễn biến về các chính sách thương mại của các nước, chủ động phân tích, dự báo kịch bản để có thông tin cập nhật bổ sung kịp thời báo cáo Chính phủ, cung cấp đầy đủ cho cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội.

Các đơn vị nghiệp vụ cũng được yêu cầu làm việc với các ngành hàng, hiệp hội… để có báo cáo Chính phủ những chính sách hỗ trợ cụ thể với các doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý cơ chế hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, nộp thuế, giảm chi phí đầu vào, mặt bằng, logistics, tiếp cận thị trường…

Cụ thể, với việc một số doanh nghiệp bị lùi, giãn tiến độ giao hàng phải chịu chi phí lưu thông và lưu bãi, bà Nguyễn Cẩm Trang – phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết cục sẽ làm việc với Bộ GTVT nhằm tháo gỡ khó khăn này cho doanh nghiệp. Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cũng sẽ về đẩy mạnh hơn nữa trong công tác xuất nhập khẩu tại các thị trường mới hồi phục, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và thị trường ASEAN…

* Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X