Ngày 29/9, tại ĐH Bách khoa Đà Nẵng, diễn ra hội thảo chủ đề: “Từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghiệp 4.0) đến giáo dục 4.0 và mô hình khung 4Cs để chuyển đổi Giáo dục Đại học thành Hệ sinh thái tạo sản phẩm sáng tạo”.
Hội thảo do chuyên gia Johnson Ong Chee Bin của AUN-QA (tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của mạng lưới các trường đại học ở khu vực Đông Nam Á) chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo, giảng viên, sinh viên nhà trường.
Hội thảo đã đề cập đến định nghĩa công nghiệp 4.0 là hệ thống kết nối qua mạng internet (IoT – viết tắt cụm từ “Internet of Things”) với mọi người, mọi thứ và thiết bị máy móc kết nối với nhau để sản xuất hàng hóa và các dịch vụ mang tính cá thể hóa. Những kỹ năng cần thiết hàng đầu của mỗi cá thể trong công nghiệp 4.0 đến năm 2020 được đưa ra tại Hội thảo bao gồm kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý nhân sự, làm việc nhóm…
Theo đó, giáo dục 4.0 được hiểu là một hệ sinh thái mà ở đó mọi người có thể cùng dạy học ở mọi nơi, mọi lúc với các thiết bị kết nối để tạo ra việc học tập được cá thể hóa. Hệ sinh thái mới này biến đổi tổ chức giáo dục thành một hệ sinh thái tạo sản phẩm sáng tạo mang tính cá thể với thành tựu lĩnh hội kiến thức và năng lực đổi mới, sáng tạo riêng của từng cá nhân trong hệ sinh thái này.
Có thể nói sự sáng tạo, đổi mới chính là nền tảng của giáo dục 4.0. Các yếu tố trong hệ sinh thái mới này linh động và có mối liên quan mật thiết. Việc sắp xếp các yếu tố khác nhau trong hệ sinh thái hướng tới mục tiêu giáo dục là rất quan trọng.
Tại Hội thảo, ông Johnson Ong Chee Bin đã đưa ra mẫu giáo trình, mô hình trường học thông minh, bộ tiêu chuẩn… của giáo dục 4.0. Chuyên gia của AUN-QA cũng đưa ra mô hình giáo dục 4.0 của Đại học NUS – Singapore (đại học xếp thứ 6 về chỉ số đổi mới giáo dục toàn cầu và nằm trong top 11 đại học hàng đầu Châu Á theo Reuters).
Thông qua các chia sẻ của chuyên gia trong lĩnh vực, các thành viên tham dự Hội thảo chia sẻ, trao đổi xoay quanh câu hỏi điều gì là tốt nhất để giáo dục đại học ở Việt Nam chuyển đổi sang nền giáo dục 4.0; xuất phát từ yêu cầu của công nghiệp 4.0 dẫn tới nhu cầu phát triển giáo dục đại học và chương trình đào tạo mới (giáo dục 4.0); sự cần thiết phải xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục đạt chuẩn; xây dựng khung chương trình đào tạo kết nối giữa trường học, doanh nghiệp và chính phủ.
Khánh Hiền