Savills: COVID-19 đang thúc đẩy thương mại điện tử và tấn công bán lẻ truyền thống

COVID-19 đang thúc đẩy thương mại điện tử và tấn công bán lẻ truyền thống, lượng doanh nghiệp F&B tham gia các ứng dụng giao hàng tăng mạnh, báo cáo mới đây của Savills cho biết.


Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang gây ra thiệt hại nhất định tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam vẫn kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo các hoạt động kinh tế không bị gián đoạn, thì thị trường Bán lẻ tại Hà Nội trong Quý I/2020 đang có những cơ hội và thách thức chưa từng có.

Báo cáo thị trường bán lẻ tại Hà Nội Quý I/2020 của Savills mới đây cho biết: Không có dự án mới trong quý đầu tiên. Nguồn cung ở mức khoảng 1,6 triệu m2, ổn định theo quý và tăng 13% theo năm. Giá thuê trung bình ở tầng trệt giảm -2% theo quý và -4% so với cùng kỳ năm; công suất thuê giảm -1 điểm % theo quý và ổn định theo năm.

 

Các nhà bán lẻ đã vắng khách hơn từ tháng Hai nhưng đến giữa tháng Ba, khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Hà Nội được công bố thì lượng khách sụt giảm mạnh mẽ. Nghi ngại lây nhiễm đã dẫn đến việc đóng cửa tạm thời của các nhà hàng, rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí và trung tâm thể thao.

Kênh siêu thị tăng trưởng lên đến 20%

Một cuộc khảo sát Khách thuê của Savills gần đây cho thấy, 55% có doanh thu giảm trên 50% so với quý trước. Hầu hết các ngành hàng đều đã bị ảnh hưởng tiêu cực; chỉ riêng siêu thị ghi nhận tăng trưởng lên đến 20%. Trong ngắn hạn, diện tích trống của các trung tâm sẽ tiếp tục tăng đáng kể.

 

Công suất của trung tâm mua sắm vẫn ở mức cao do các thương hiệu nổi tiếng được trang bị tốt hơn để ứng phó, cũng như lo ngại mất tiền cọc hoặc rủi ro về pháp lý. Bán lẻ mặt phố chứng kiến sự đóng cửa trên diện rộng hơn do các doanh nghiệp nhỏ nhạy cảm hơn với biến động kinh tế. Các thương hiệu có các cửa hàng ở cả trung tâm mua sắm và mặt phố thường ngừng hoạt động các cửa hàng mặt phố trước tiên.

Các thương hiệu bán lẻ lớn nhỏ trên phố với doanh thu giảm khoảng 50% bị ảnh hưởng nặng nề do giá thuê có thể chiếm lên đến 50% tổng chi phí hoạt động. Các khách thuê đã đề xuất với chủ nhà về việc miễn giá thuê cho trong thời gian cách ly trong tháng Tư và giảm 20-50% giá thuê trong ba đến 12 tháng tới. Nhiều người đang tiếp tục đàm phán để được giảm sâu hơn về giá thuê và các chi phí kinh doanh khác; một số khác đã quyết định không gia hạn hợp đồng thuê.

Đại siêu thị và siêu thị được ưa chuộng hơn cửa hàng tiện lợi, do thói quen tích trữ của người dân

COVID-19 đang thúc đẩy thương mại điện tử và tấn công bán lẻ truyền thống. Khảo sát của Savills chỉ ra 28% các nhà bán lẻ đang kết hợp cả hai kênh trực tiếp và trực tuyến và 28% chỉ hoạt động trực tuyến.

Doanh thu từ thương mại điện tử của nhiều cửa hàng có thể tăng lên đến 30%. Thương mại điện tử được nâng cao nhờ 68% dân số sử dụng internet, tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 75% vào năm 2020, theo ‘Kế hoạch về Phát triển Thương mại Điện tử của Hà Nội năm 2020’.

Các thương hiệu trung và cao cấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các thương hiệu bình dân đối mặt với ít thay đổi hơn do phần lớn đã ưu tiên hoạt động trực tuyến để tiết kiệm chi phí.

Lượng doanh nghiệp trong ngành Ẩm thực tham gia các ứng dụng giao hàng tăng mạnh do đây được coi là một sáng tạo nhằm duy trì hoạt động. Các thương hiệu trung và cao cấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng đã nhanh chóng đẩy mạnh dịch vụ giao hàng tận nhà. Các thương hiệu bình dân đối mặt với ít thay đổi hơn do phần lớn đã ưu tiên hoạt động trực tuyến để tiết kiệm chi phí.

Việc tích trữ dẫn đến số lượng các chuyến mua sắm giảm xuống, và các cửa hàng mặt phố và cửa hàng tiện lợi trở nên kém được ưa chuộng hơn so với các mô hình bán lẻ quy mô lớn như đại siêu thị, siêu thị và siêu thị mini với nguồn cung sản phẩm lớn hơn, mức giá rẻ hơn, cộng thêm dịch vụ giao hàng tận nhà.

Khảo sát của Savills cho thấy 61% khách thuê khá tích cực về khả năng phục hồi nếu đại dịch kết thúc trong Quý II. Nếu dịch tiếp diễn, 86% khẳng định thời gian phục hồi ít nhất sẽ là 6 tháng. Các nghành hàng ẩm thực, khu vui chơi giải trí, trung tâm giáo dục và thể thao được dự đoán sẽ phục hồi đầu tiên do người tiêu dùng nhanh chóng trở lại nếp sống bình thường sau thời gian thực hiện cách ly xã hội. Các ngành hàng như thời trang, mỹ phẩm hoặc đồ nội thất, gia dụng & điện tử sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi.

Không dễ để dự đoán kịch bản kinh tế sau COVID-19 khi đại dịch toàn cầu vẫn còn đang phát triển. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo Việt Nam sẽ duy trì sự ổn định và tăng trưởng về kinh tế trong trung và dài hạn. Tăng trưởng GDP được dự báo sẽ hạ xuống 4,8% vào năm 2020 nhưng lên cao ở mức 6,8% vào năm 2021 nếu đại dịch kết thúc trong nửa đầu 2020. Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những quốc gia Đông Nam Á dẫn đầu về mức tăng trưởng.

* Nguồn: CafeBiz

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X