Nhóm doanh nghiệp “họ” Viettel hoạt động ra sao giữa đại dịch COVID-19?

Trên thị trường, các cổ phiếu “họ” Viettel đều đang giao dịch trên sàn UpCOM và gần như đã phục hồi về vùng giá trước khi dịch COVID-19 bùng phát.


Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tác động tiêu cực đến hầu hết các ngành nghề kinh doanh, các doanh nghiệp “họ” Viettel chịu ít nhiều ảnh hưởng tuy nhiên về cơ bản hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn duy trì sự ổn định trong 6 tháng đầu năm 2020.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global – mã VGI) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 6% lên 4.309 tỷ đồng. Với giá vốn được tối ưu, lãi gộp tăng trưởng tới 15%, đạt 1.658 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp ở mức 38,5%.

Hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng tích cực nhưng do lỗ chênh lệch tỷ giá nên lợi nhuận trước thuế quý II chỉ đạt 15 tỷ đồng, giảm 98,5% so với quý II/2019. Lỗ ròng sau thuế hơn 123 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 682 tỷ đồng, trong đó lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ hơn 200 tỷ đồng.


Dù vậy, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ luỹ kế 6 tháng đầu năm của Viettel Global vẫn tăng gần 6% so với cùng kỳ, đạt 763 tỷ đồng nhờ báo lãi đột biến trong quý đầu tiên của năm. Doanh thu nửa đầu năm cũng tăng gần 19% so với cùng kỳ, đạt 8.613 tỷ đồng.

Với thị trường Global của Viettel tại Châu Phi, Mỹ Latin và Đông Nam Á đều tăng trưởng dương, trong đó Châu Phi tăng trưởng 2 chữ số. Khu vực Đông Nam Á vẫn đóng vai trò chủ đạo với hơn 4.400 tỷ doanh thu và 1.085 tỷ đồng lợi nhuận.

Các công ty liên kết, đặc biệt là Viettel Myanmar – đơn vị vận hành mạng Mytel – tiếp tục đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh chung của Viettel Global. Sau khi tăng trưởng gấp đôi trong quý I, tổng doanh thu các công ty liên kết của Viettel Global (gồm Viettel Myanmar, Star Telecom và Metcom) tiếp tục tăng 50% trong quý II. Luỹ kế 6 tháng, tổng doanh thu của các công ty này tăng 76%, từ 5.300 tỷ lên 9.322 tỷ đồng.

Trong khi đó, Tổng CTCP Công trình Viettel (mã CTR) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 với doanh thu thuần 1.305 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng tới 47% lên đạt 83,6 tỷ đồng tương ứng biên lãi gộp 6,4%, cải thiện đáng kể so với mức 4,7% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 21% so với cùng kỳ, đạt 47,6 tỷ đồng.


Nguồn thu chủ lực của CTR hiện vẫn là mảng Vận hành khai thác nhà trạm và ứng cứu thông tin khi đem về doanh thu 802 tỷ đồng. Mảng Giải pháp tích hợp và bán hàng thương mại cũng tăng trưởng tốt với doanh thu 255 tỷ đồng. Mảng BĐS đầu tư (hạ tầng cho thuê) đem về hơn 11 tỷ đồng doanh thu, con số lớn nhất từ trước tới nay. Ở chiều ngược lại, mảng xây lắp có sự sụt giảm trong quý II khi chỉ đem về 237 tỷ đồng doanh thu, thấp hơn 33% so với quý trước và thấp hơn 34% so với cùng kỳ năm 2019.

Sau 6 tháng đầu năm, CTR ghi nhận 2.686 tỷ đồng doanh thu và 98,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng tăng 11% và 28% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, công ty đã hoàn thành xấp xỉ 50% chỉ tiêu đề ra. Trước đó tại ĐHĐCĐ diễn ra vào tháng 6, ban lãnh đạo CTR cho biết công ty không chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tự tin hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2020.

Tương tự, Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettle Post – mã VTP) ghi nhận doanh thu quý II/2020 tăng tới 158% so với cùng kỳ lên 4.337 tỷ đồng. Giá vốn cũng tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp chỉ còn tăng 7,6% lên hơn 183 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp vỏn vẹn 4,2%. Sau khi trừ các chi phí phát sinh trong kỳ đồng thời ghi nhận khoản lợi nhuận khác, Viettel Post báo lãi sau thuế 103 tỷ đồng, tăng 16,7% so với quý II/2019.


Tính chung 6 tháng đầu năm, Viettel Post đạt 6.797 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng tăng 125% và 21% so với nửa đầu năm 2019. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được 40% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Cổ phiếu phục hồi về vùng giá trước dịch

Trên thị trường, các cổ phiếu “họ” Viettel đều đang giao dịch trên sàn UpCOM và gần như đã phục hồi về vùng giá trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Hiện VGI đang dừng ở mức 26.900 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hoá 81.879 tỷ đồng và là một trong những cổ phiếu vốn hoá lớn nhất sàn UpCOM, thập chí lớn hơn rất nhiều Bluechips trên sàn HoSE.

Trong khi đó, cổ phiếu CTR hiện đang loanh quanh vùng đỉnh với 41.300 đồng/cổ phiếu (đã điều chỉnh). Ngày 4/8 vừa qua, CTR đã chốt quyền nhận cổ tức với tổng tỷ lệ 26% bao gồm 10% bằng tiền và 16% bằng cổ phiếu. Cổ tức bằng tiền sẽ được chi trả cho cổ đông vào ngày 18/8 tới đây.


Ảnh minh hoạ

Tương tự như CTR, Viettel Post cũng vừa chốt ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức năm 2019 bằng tiền (tỷ lệ 15%) và cổ phiếu (tỷ lệ 39,3%) là ngày 26/8 tới đây. Cổ tức bằng tiền dự kiến được chi trả vào ngày 15/9/2020. Ngoài ra, công ty sẽ phát hành thêm 23,43 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông. Hiện VTP là cổ phiếu có thị giá cao nhất trong nhóm Viettel với 132.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hoá xấp xỉ 7.900 tỷ đồng.

Về vấn đề thoái vốn, Công trình Viettel và Viettel Post đều nằm trong kế hoạch giảm vốn, thoái vốn của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel). Trong đó Viettel Post giảm từ 68,08% đến >50%, Công trình Viettel giảm từ 73,2% xuống >50%. Viettel đã thuê đơn vị thẩm định để định giá giá trị cổ phần và dự kiến hoàn thành các thủ tục giảm tỷ lệ sở hữu đảm bảo theo phương án cơ cấu lại và theo quy định pháp luật trong năm 2020.

Thanh Hà
* Nguồn: BizLive

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X