Doanh nghiệp mì gói cũng bội thu nhờ đại dịch

Giãn cách xã hội, hạn chế ăn ngoài hàng quán đã giúp doanh thu và lợi nhuận của các hãng mì gói tăng đột biến.


Lữ hành, khách sạn, hàng không, dầu khí và nhiều ngành trên toàn cầu đang khốn đốn vì COVID-19, nhưng các nhà sản xuất mì ăn liền của Việt Nam cũng như Châu Á lại hưởng lợi.

Đại gia mì Châu Á bội thu trong bối cảnh kinh tế ảm đạm

Tingyi Holding, nhà sản xuất mì ăn liền Master Kong, thương hiệu mì ăn liền đạt doanh số cao nhất Trung Quốc, doanh thu nửa đầu năm của họ đã tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 32,93 tỉ nhân dân tệ (4,76 tỉ USD), trong khi lợi nhuận ròng tăng 58,4%, đạt 2,38 tỉ nhân dân tệ và lập kỷ lục mới.

Ông Wei Hong-ming, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tingyi tuyên bố, mì ăn liền đã giúp Tập đoàn trở lại thời kỳ vinh quang. Mảng mì ăn liền tăng trưởng 2 con số cả về doanh thu (29,2%) và lợi nhuận ròng (93,7%). Dữ liệu của Nielsen cho thấy, trong nửa đầu năm, doanh số mì ăn liền của Tingyi tăng 11,5% ở đại lục.

Ông Anne Ling, nhà phân tích hàng tiêu dùng của Công ty Jefferies Hồng Kông, đã nâng ước tính lợi nhuận ròng cả năm của Tingyi từ mức 3,441 tỉ nhân dân tệ (theo dự báo trước đó) lên 4,244 tỉ nhân dân tệ. Còn dưới góc độ, nhà phân tích cấp cao của Moody’s Investors Service, ông Ying Wang kỳ vọng Tingyi sẽ duy trì các chỉ số tài chính vững chắc trong vòng 2-3 năm tới.


Nửa đầu năm 2020, ngành sản xuất mì ăn liền đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp về phòng dịch COVID-19 toàn cầu
Ảnh: chinadaily

“Nửa đầu năm 2020, ngành sản xuất mì ăn liền đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp về phòng dịch COVID-19 toàn cầu”, Chủ tịch Lo Chih-Hsien của Uni-President China nhận xét. Công ty con tại Hồng Kông của Uni-President China là một trong những nhà sản xuất mì ăn liền hàng đầu ở đại lục. Doanh thu mảng thực phẩm với mì gói đóng vai trò chủ chốt đã tăng 22% lên 5,21 tỉ nhân dân tệ, còn lợi nhuận tăng 30% lên 448,09 triệu nhân dân tệ.

Indofood CBP Sukses Makmur, một doanh nghiệp thực phẩm ở Indonesia, xác nhận mảng mì là tác nhân chủ đạo đối với mức tăng trưởng doanh thu 4,1%. Doanh số bán mì ăn liền của Tập đoàn tăng 6,3% và đạt 15.492 tỉ rupiah (1,05 tỉ USD), còn tỉ suất lợi nhuận gộp tăng 1,1 điểm phần trăm, đạt 22,6%, nhờ giá bán cao hơn và giá lúa mì giảm. Sản phẩm mì của Indofood bán ở khu vực khác của Châu Á và Châu Phi.

Đà tăng trưởng của các nhà sản xuất mì lớn ở Nhật và Hàn Quốc cũng khá lớn. Nissin Foods (Nhật), chủ sở hữu thương hiệu Cup Noodle, thông báo lợi nhuận ròng quý II cao hơn gấp đôi, đạt 12,09 tỉ yen (114,2 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2019.


Lợi nhuận của Toyo Suisan, một nhà sản xuất mì khác ở Nhật, tăng 76%, lên 8,4 tỉ yen trong cùng kỳ. Cả 2 tập đoàn đều tăng trưởng doanh số bán hàng trong nước cũng như nước ngoài. Thị trường chủ yếu của Nissin là Châu Mỹ, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, còn Toyo Suisan chủ yếu bán sản phẩm ở Mỹ và Mexico.

Hai “đại gia” mì ăn liền đã dẫn đầu sự phục hồi của thị trường chứng khoán Nhật Bản. Giá cổ phiếu của cả 2 tập đoàn đều tăng hơn 35% kể từ khi chỉ số Nikkei Average chạm mức thấp nhất trong năm vào giữa tháng 3. Đây là 2 trong 10 cổ phiếu hàng đầu trên sàn Tokyo, với vốn hoá thị trường trên 50 tỉ yen.

Doanh nghiệp Việt tăng cường sản xuất

Theo một khảo sát từ Nielsen cho thấy hơn 50% người dân đã giảm tần suất ghé thăm các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống. Đồng thời, giá trị giỏ hàng trên 1 lần mua tăng lên để đáp ứng nhu cầu ở nhà nhiều hơn và hạn chế ra ngoài.

Do vậy, thực phẩm đóng gói, nước đóng chai, mì ăn liền, thực phẩm đông lạnh trở thành lựa chọn hàng đầu. Trong đó, tỉ lệ gia tăng tiêu thụ mì ăn liền trong bối cảnh hiện nay là 67%; với thực phẩm đông lạnh là 40%. Nước đóng chai và thực phẩm đóng hộp cũng là những ngành hàng có xu hướng tăng.

Các doanh nghiệp sản xuất mì ăn liền đã phải tăng tốc sản xuất từ đầu năm và dự báo doanh thu, lợi nhuận cũng gia tăng từ mì. Trong báo cáo tài chính của Tập đoàn Masan, có phần nhận định: “Chúng tôi kỳ vọng doanh thu thuần hợp nhất của Masan Group năm 2020 tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 2 chữ số, đồng thời lợi nhuận sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm. Phần lớn hoạt động kinh doanh của Masan hướng đến nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng như mì ăn liền, thực phẩm đông lạnh…”.

Ghi nhận tại các siêu thị lớn, đại diện Lotte Mart chia sẻ: “Doanh số mặt hàng mì ăn liền và các loại sợi ăn liền tháng 3.2020 tăng hơn 27% so với giai đoạn tháng 2”.


Ảnh: The Asashi Shimbun

Đại diện Acecook cũng cho biết, tần suất sản xuất mì gói của đơn vị này vẫn luôn tăng mỗi ngày. Cụ thể, doanh thu tháng 3/2020 của Acecook tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời tăng 10% so với tháng 2/2020. Ở thời điểm giãn cách xã hội, Acecook đã tăng cường sản xuất với mức tăng khoảng 30% để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Mỗi ngày, doanh nghiệp này có thể sản xuất 400.000-450.000 thùng sản phẩm, tương đương 12-13 triệu gói mì.

Trong tháng 2, khi tình hình dịch bệnh tại nhiều nước diễn biến phức tạp, thị trường xuất khẩu của nên Công ty Cổ phần Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon) tăng 300%. Tuy nhiên, vào tháng 3 khi nhiều ca nhiễm tại Việt Nam tăng lên nhanh thì đơn hàng nội địa của Công ty này tăng đột biến.

Theo thông tin từ đại diện Vifon, có thời điểm tất cả các kệ hàng trống rỗng, Vifon nhanh chóng tăng cường sản xuất để cung ứng kịp thời, thậm chí có người tới cửa hàng mua cả thùng bột canh 40kg. Vifon đã quyết định cắt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian ngắn hồi tháng 3 để phục vụ nhu cầu trong nước. Đến nay, cơ bản hàng hoá đáp ứng đủ cung ứng cho người tiêu dùng cả nước đến hết năm 2020.

Minh Anh
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X