COVID-19 là thời cơ không thể tốt hơn nhưng cũng đã vạch trần những điểm yếu “chết người” của Amazon

25 năm đã trôi qua, tầm nhìn của Bezos về 1 thế giới trong đó tất cả các hoạt động của con người từ đi mua sắm đến xem và đọc đều diễn ra trên mạng đã trở thành hiện thực. Nhưng công việc điều hành Amazon thì ngày càng trở nên khó nhằn hơn.


Mùa hè năm 1995, Jeff Bezos là 1 chàng trai gầy gò ngày ngày làm công việc đóng gói những cuốn sách bìa mềm vào những chiếc hộp. Ngày nay, 25 năm sau, có lẽ ông đã trở thành một trong những ông trùm tư bản quan trọng nhất của thế kỷ 20. Chân dung Jeff Bezos cũng trở nên khác biệt: 1 người đàn ông vạm vỡ đã ly hôn coi việc tài trợ cho các chuyến đi vào vũ trụ và cho các tờ báo là “cho vui”, người được cả huyền thoại đầu tư Warren Buffett ca ngợi và không ít lần bị Tổng thống Donald Trump đích danh chỉ trích.

Công ty của ông – Amazon – cũng không còn chỉ là 1 công ty bán sách đơn thuần mà đã trở thành gã khổng lồ công nghệ trị giá tới 1.300 tỷ USD được người tiêu dùng mến mộ, các nhà đầu tư và đối thủ không nên chống lại và bị các chính trị gia ghét bỏ. Và giờ đây, làn sóng chuyển đổi online sau đại dịch COVID-19 lại càng thể hiện rõ nét tầm quan trọng của Amazon đối với cuộc sống thường ngày ở Mỹ và châu Âu khi mà công ty đóng vai trò quan trọng trong tất cả các mảng từ thương mại điện tử, logistics đến điện toán đám mây.


Tranh biếm hoạ ông Jeff Bezos – Nhà Sáng lập Amazon

Phản ứng với đại dịch, Bezos đã quay trở lại quản lý sát sao quy trình vận hành hàng ngày của Amazon. Nhìn qua thì có thể nói rằng COVID-19 mang đến thời cơ không thể tốt hơn cho Amazon, nhưng công ty có giá trị vốn hoá cao thứ 4 thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề: công chúng đòi hỏi ở Amazon nhiều trách nhiệm xã hội hơn, chi phí tài chính tăng cao và những đối thủ cạnh tranh mới xuất hiện.

Làn sóng kỹ thuật số sinh ra từ COVID-19 bắt đầu khi người tiêu dùng đổ xô đi tích trữ giấy vệ sinh và mì ống. Quý I, doanh thu của Amazon tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Khi những tờ séc kích cầu đến tay các hộ gia đình Mỹ vào giữa tháng 4, làn sóng mua sắm xuất hiện ở nhiều mặt hàng khác. 2 đối thủ eBay và Costco cũng cho biết hoạt động kinh doanh trực tuyến của họ tăng tốc trong tháng 5. Để đáp ứng nhu cầu gia tăng đột biến, mỗi ngày Bezos đều kiểm tra lượng hàng tồn kho. Amazon đã tuyển dụng thêm 175.000 nhân viên, trang bị cho họ 34 triệu đôi găng tay và thuê thêm 12 máy bay chở hàng mới, nâng tổng số máy bay trong đội bay lên con số 82. Tiếp sức cho nền tảng thương mại điện tử bùng nổ là cơ sở hạ tầng điện toán đám mây và hệ thống thanh toán hùng mạnh. Doanh thu của mảng điện toán đám mây cũng tăng 33% trong quý I.

Câu hỏi ở đây là liệu làn sóng này có sớm lắng xuống hay không. Các cửa hàng đang mở cửa trở lại, mặc dù vẫn phải thực hiện những biện pháp giữ vệ sinh phòng dịch. Đã có một số dấu hiệu khả quan cho thấy sẽ có những thay đổi lâu dài có lợi cho Amazon. Một nhóm khách hàng mới ưa thích mua sắm trực tuyến đã xuất hiện. Có nhiều người Mỹ ngoài 60 tuổi bắt đầu lập tài khoản thanh toán trực tuyến. Nhiều cửa hàng vật lý truyền thống đã bị COVID-19 tàn phá nặng nề, với một loạt cái tên như J Crew và Neiman Marcus tuyên bố phá sản. Năm qua, cổ phiếu của những công ty vận hành nhà kho (là bộ phận sống khoẻ nhờ thương mại điện tử) đã tăng trưởng cao hơn tới 48% so với các chủ sở hữu trung tâm thương mại.


Quý I, doanh thu của Amazon tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái
Ảnh: Amazon

Tất cả những điều này có vẻ rất phù hợp với phần đầu của những lá thứ mà Bezos gửi đến các cổ đông hàng năm. Theo đó ông luôn khẳng định Amazon đang trong giai đoạn mạnh tay chi tiền để chiếm lĩnh thị phần và “khám phá những miền đất mới đầy tiềm năng”. Từ sách, Amazon đã nhảy vọt lên thương mại điện tử, sau đó mở rộng sang mảng điện toán đám mây và logistic phục vụ các nhà bán lẻ bên thứ ba. Người tiêu dùng trung thành với Amazon bởi những phúc lợi như gói thành viên Prime hay trợ lý giọng nói Alexa. Xét trên khía cạnh này, làn sóng kỹ thuật số mới càng củng cố sự trỗi dậy của Amazon. Đó cũng là cách nhìn nhận của phố Wall, nơi cổ phiếu của Amazon vừa chạm đỉnh cao nhất mọi thời đại hôm 17/6.

Nhưng Bezos cũng phải đối mặt với không ít vấn đề hóc búa. Đầu tiên là những lo ngại cho rằng Amazon, giống như Google trong mảng tìm kiếm, đang dần biến thành tập đoàn độc quyền. năm ngoái, Amazon chiếm 40% thị phần thương mại điện tử và 6% tổng doanh số bán lẻ ở Mỹ. Có rất ít bằng chứng cho thấy Amazon khiến việc làm biến mất. Các nghiên cứu về “hiệu ứng Amazon” cho thấy các công việc mới mà Amazon tạo ra trong nhà kho hay công đoạn giao hàng giúp bù đắp lại số việc làm mất đi ở các cửa hàng vật lý, và mức lương tối thiểu 15USD/giờ của Amazon là cao hơn mức trung bình trong ngành bán lẻ. Nhưng chiến lược của Amazon đã tạo ra những thay đổi lớn mang tính cách mạng trên thị trường lao động.

Ngoài ra có một số ổ dịch tại các nhà kho của Amazon làm dấy lên những chỉ trích về điều kiện làm việc. Và cũng có một số ý kiến chỉ trích mô hình kinh doanh của Amazon có thể dẫn đến xung đột lợi ích. Ví dụ như, liệu nền tảng thương mại điện tử của hãng có đối xử với những người bán là bên thứ ba công bằng như với các sản phẩm do chính Amazon sản xuất ra? Quốc hội Mỹ và cả EU đang điều tra vấn đề này. Liệu các công ty khác có an toàn khi cung cấp những dữ liệu nhạy cảm cho AWS (mảng đám mây của Amazon)?


Các công việc mới mà Amazon tạo ra trong nhà kho hay công đoạn giao hàng giúp bù đắp lại số việc làm mất đi ở các cửa hàng vật lý
Ảnh: Amazon

Vấn đề lớn thứ hai nằm ở sức khoẻ tài chính của Amazon. Bezos liên tục mở rộng công ty sang hết ngành này đến ngành khác, khiến ngày nay Amazon có tài sản lên tới 104 tỷ USD, gần bằng con số 119 tỷ USD của đối thủ cũ kỹ Walmart. Kết quả là lợi nhuận nếu chưa tính đến mảng đám mây khá thấp và đại dịch khiến lợi nhuận thặng dư của mảng thương mại điện tử càng mỏng đi. Bezos khẳng định Amazon có thể kiếm tiền từ nguồn dữ liệu khổng lồ, bán quảng cáo và thuê bao. Đến nay nhà đầu tư vẫn tin vào điều đó. Nhưng lợi nhuận thặng dư của mảng thương mại điện tử thấp sẽ khiến Amazon khó lòng tách riêng mảng đám mây.

Mối lo cuối cùng của Bezos là những đối thủ cạnh tranh mới. Bezos vẫn luôn nói rằng ông quan sát người tiêu dùng chứ không phải đối thủ, nhưng gần đây chắc hẳn ông phải chú ý đến việc các đối thủ tận dụng đại dịch như thế nào. Doanh số bán hàng trực tuyến của Walmart, Target và Costco đã tăng gấp đôi hoặc hơn thế trong tháng 4. Các công ty kỹ thuật số độc lập cũng đang sống tốt. Nếu gộp cổ phiếu của Shopify, Netflix và UPS thành 1 nhóm thì nhóm này đã có diễn biến tốt hơn cổ phiếu Amazon kể từ đầu năm đến nay. Ở các thị trường bên ngoài Mỹ, Amazon cũng đang để thua MercadoLibre ở Mỹ Latinh, Jio ở Ấn Độ và Shopee ở Đông Nam Á. Ở Trung Quốc, kẻ thống trị là Alibaba, JD.com và một số cái tên hoàn toàn mới như Pinduoduo.

Những công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới cần phải giải được những bài toán hóc búa. Nếu Bezos tăng lương cho công nhân để làm hài lòng những chính trị gia ở các địa phương theo khuynh hướng dân túy, Amazon sẽ mất đi lợi thế chi phí thấp. Nếu chia tách mảng đám mây để làm hài lòng các nhà quản lý, tình hình tài chính sẽ yếu đi trông thấy. Và nếu Amazon tăng giá để làm hài lòng các cổ đông, thị phần sẽ rơi vào tay đối thủ cạnh tranh. 25 năm đã trôi qua, tầm nhìn của Bezos về 1 thế giới trong đó tất cả các hoạt động của con người từ đi mua sắm đến xem và đọc đều diễn ra trên mạng đã trở thành hiện thực. Nhưng công việc điều hành Amazon không hề dễ dàng hơn, nếu không muốn nói là khó hơn rất nhiều.

Thu Hương
* Nguồn: CafeBiz

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X