Scandinavia: là tên gọi chung để chỉ khu vực văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ của một số nước thuộc Bắc Âu gồm Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển.
Ở châu Âu, các nước Bắc Âu Na Uy, Thuỵ Điển, Phần Lan tạo thành một nhóm rất đặc biệt.
Nhóm này cũng từng có một lịch sử oai hùng, với tổ tiên là những người Viking thông minh và thiện chiến, từng làm mưa làm gió một thời. Tuy không thực sự được thiên nhiên ưu đãi, với khí hậu rét mướt kéo dài, không phải nằm trên tuyến đường thông thương buôn bán quốc tế hạng nhất, nhưng nhóm quốc gia này thuộc loại giàu có nhất, phát triển nhất, văn minh nhất trên thế giới.
Văn hóa là nền tảng
Trong thế kỷ vừa qua, các nước Bắc Âu gần như thoát khỏi mọi khủng hoảng kinh tế thế giới một cách bình an. Họ cứ chăm chỉ làm ăn, tích luỹ từ đời nọ sang đời kia, và giàu có dần lên. Điều đó tưởng đơn giản mà thực ra vô cùng khó khăn, trước những chiêu trò tinh vi của sòng bạc quốc tế, muốn lùa những con cừu béo vào tròng để xén lông (xem bài này).
Theo cuộc nghiên cứu kéo dài 3 năm của tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, học sinh Phần Lan đạt tiêu chuẩn tri thức cao nhất trên thế giới. Ảnh: TC Gia Đình Trẻ Em
Quan điểm các nước Bắc Âu rất rõ là bằng mọi giá không làm cừu, không cho xén lông, không đánh bạc. Để được như vậy, họ phải bắt đầu từ những nền tảng rất cơ bản, từ trường phổ thông cho đến văn hóa, xã hội. Làm sao để tạo là những con người biết sống chậm, an nhiên tự tại, không thèm muốn vật chất, không hoang phí xa hoa, không cần trưng diện, đua đòi. Người ta làm việc vừa đủ, hiệu quả, trách nhiệm.
Họ coi lao động như một niềm vui, một sự cống hiến, trách nhiệm xã hội, nhưng không nặng về làm giàu. Nếu tăng năng suất lao động thì giảm giờ làm đi.
Những tiến bộ của cách mạng 4.0 giúp cho tăng năng suất làm việc, hiệu quả lao động, nhưng không vì thế mà khiến họ trở nên tham lam hơn, bận rộn hơn, như đã xảy ra ở nhiều nơi khác. Nếu ngày xưa làm 8 tiếng thì giờ làm 4 tiếng.
“Nhóm quốc gia này thuộc loại giàu có nhất, phát triển nhất, văn minh nhất trên thế giới”
Ngày xưa trẻ phải học cả ngày thì bây gờ chỉ cần học 3, 4 tiếng, với sự hỗ trợ của công nghệ. Còn lại thời gian để chơi, để giao lưu, sáng tạo, tư duy, hoà mình vào với cộng đồng, với thiên nhiên. Những ứng dụng đô thị thông minh được triển khai rất nhiều ở các nước này, đặc biệt là những trung tâm lớn như Oslo, Helsinki hay Stockholm. Nhưng mục tiêu của các tiến bộ này rất rõ ràng là không phải nhằm đạt mức hưởng thụ, tiêu dùng cao hơn, kinh tế sôi động hơn, mà chủ yếu để tăng chất lượng đào tạo, giáo dục, tăng khả năng phát triển, sáng tạo, nghỉ ngơi, giải trí của mỗi con người.
Về cơ bản, chiến lược và giải pháp của các nước Bắc Âu cũng tương tự như Hà Lan (xem bài 10) với việc chú trọng vào nâng cao nhận thức, đào tạo, tham gia cộng đồng, khuyến khích xe đạp, bảo vệ, tôn tạo môi trường.
Cộng đồng thông minh làm chủ đô thị thông minh
Tuy nhiên, những mục tiêu của họ được đặt ra còn cao hơn. Đó là những đô thị lớn đưa ra mục tiêu hoàn toàn không phát thải tới 2025. Môi trường sạch tới mức có thể bơi lội, chơi bời, câu cá ở mọi mặt nước, kể cả khu công nghiệp, bến cảng.
Những ứng dụng đô thị thông minh được triển khai rất nhiều ở Kista Science City. Ảnh minh hoạ: TL
Chất lượng giáo dục phổ thông cao nhất thế giới, thời gian học ít nhất, và hệ thống đồng đều nhất. Tất cả các trường đều có cùng chất lượng như nhau, từ khu trung tâm đến vùng sâu vùng xa. Các cơ sở chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, các hoạt động văn hoá, xã hội cơ bản cũng được cung cấp chất lượng cao và đồng đều ở mọi nơi.
“Tạo ra một văn hoá sáng tạo, với sự tham gia năng động của từng người dân. Đó chính là cấp cao nhất của đô thị thông minh, mà ta gọi là cộng đồng thông minh, hay còn gọi là đô thị thông minh 3.0.”
Đặc biệt, mô hình smart Aarhus được coi là một con đường riêng của Bắc Âu trong lĩnh vực đô thị thông minh. Thực ra, nói hoàn toàn riêng thì cũng không hẳn, mà nó cũng tương tự như Hà Lan, Israel. Đó là những sân chơi ảo cho cộng đồng để có thể giải quyết rất nhiều vấn đề đô thị ở cấp cộng đồng, đồng thời tạo ra một văn hoá sáng tạo, tham gia năng động cho từng người dân.
Đó chính là cấp cao nhất của đô thị thông minh mà ta gọi là cộng đồng thông minh, hay còn gọi là đô thị thông minh 3.0. (nhắc lại 1.0 là cấp công cụ thông minh, chủ yếu do các doanh nghiệp công nghệ lớn dẫn dắt, là mức độ chính của Mỹ. 2.0 là con người thông minh và chính quyền thông minh, với những giải pháp chính từ trên xuống, do thành phố, quốc gia chủ trì, và những con người đủ thông minh để thích ứng với nó. Cấp độ này được cho rằng có đại diện như Đức và một số nước châu Á phát triển. Còn 3.0 là những giải pháp đô thị thông minh do cộng đồng thông minh đứng ra chủ trì.)
Đối với họ, 4.0 là một cánh cửa rộng mở hướng tới thiên đường ở hạ giới, chứ không phải là phát hiện một mỏ vàng để cả xã hội lao vào xâu xé, tranh giành.
TS. Phó Đức Tùng