Cà phê đẩy mạnh sân nhà

Ngành cà phê Việt đang đặt mục tiêu nâng tỷ lệ tiêu thụ nội địa từ mức 13% ở hiện tại lên khoảng 30% trong thời gian tới.


Từ xuất khẩu quay về đẩy mạnh thị trường trong nước

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), tuy là nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ 2 thế giới (riêng cà phê Robusta, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới với tổng sản lượng xuất khẩu hàng năm khoảng 11,6-11,8 triệu tấn, kim ngạch 2,6-2,8 tỷ USD), thế nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam chưa bao giờ ở mức cao do sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, chưa qua chế biến.

Trong khi đó, khối lượng cà phê rang xay và cà phê hoà tan xuất khẩu vẫn rất ít, những năm trước, tổng tỷ trọng 2 loại này chỉ ở mức trên dưới 5% trong tổng khối lượng cà phê xuất khẩu. Trong khi, cà phê rang xay, hoà tan hiện đang được các nước trên thế giới ưa chuộng. Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, khi nền kinh tế của toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề nhưng nhu cầu tiêu thụ cà phê vẫn không hề giảm mà ngày càng tăng do người dân ở Châu Âu và Châu Mỹ ở nhà nhiều hơn. Đây cũng là lý do vì sao trong thời điểm vừa qua, xuất khẩu cà phê nhân sụt giảm do khâu vận chuyển, lưu thông khó khăn nhưng xuất khẩu cà phê rang xay, hoà tan năm nay lại tăng mạnh, đã chiếm 12% trong tổng lượng xuất khẩu cà phê cả nước.

Theo số liệu gần đây của Vicofa, cà phê hoà tan chiếm 14% nhu cầu tiêu dùng cà phê trên thế giới và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Do đó, Việt Nam đang có cơ hội sẽ trở thành quốc gia sản xuất cà phê hoà tan hàng đầu thế giới do sở hữu nguồn cà phê Robusta dồi dào, là nguyên liệu chính để chế biến cà phê hoà tan. “Từ nay đến cuối năm, ngành cà phê cố gắng sẽ xuất khẩu bằng năm ngoái với 1,6 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch xuất khẩu 2,8 tỷ USD. Nếu có giảm thì chỉ giảm ít, nhưng lượng xuất khẩu cà phê rang xay, hoà tan phải tăng thêm trong sản lượng xuất khẩu”, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, cho biết.


Cách đây 10 năm, tỷ lệ cà phê tiêu thụ nội địa của Việt Nam chỉ đạt mức 6-7% tổng lượng sản xuất thì tới nay đã đạt 13%.
Ảnh: thanhnien

Cũng theo ông Tự, những năm qua, đặc biệt là năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến giá cà phê trên thế giới giảm quá sâu, xuất khẩu khó khăn, các doanh nghiệp cà phê đã tìm cách tăng tiêu thụ tại thị trường trong nước, coi đây là giải pháp vượt qua lúc gian khó. Người tiêu dùng cà phê Việt Nam ngày càng có xu hướng tiêu dùng cà phê nguyên chất song tỷ lệ tiêu dùng cà phê của người dân Việt Nam vẫn còn thấp.

Cách đây 10 năm, tỷ lệ cà phê tiêu thụ nội địa của Việt Nam chỉ đạt mức 6-7% tổng lượng sản xuất thì tới nay đã đạt 13%. Theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), tỷ lệ tiêu thụ nội địa tăng là nhờ sự đầu tư của các doanh nghiệp cũng như các hoạt động kích cầu nội địa của Bộ Công Thương.

“So với các nước khác như Mỹ, Brasil, Phần Lan… thì tỷ lệ nội địa tại Việt Nam vẫn còn thấp. Do đó chúng tôi đặt mục tiêu sẽ nâng tỷ lệ cà phê nội địa lên 25-30%, tương đương với các nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới như Brasil, Indonesia”, ông Hải cho biết.

Đầu tư trong nước cũng cần bài bản

Trước đây sản phẩm cà phê tiêu thụ nội địa chỉ có ít thương hiệu doanh nghiệp trong nước như Vinacaphe Biên Hoà, Trung Nguyên… Chỉ 5 năm gần đây, cùng với sự phát triển tiêu thụ cà phê nội địa thì hàng loạt các thương hiệu cà phê Việt Nam xuất hiện và được người tiêu dùng biết đến. Đặc biệt, 2 công ty cà phê là Intimex và Tín Nghĩa đã đầu tư 30 triệu USD để xây dựng hệ thống nhà máy cà phê rang xay, hoà tan, tạo nguyên liệu và sản phẩm chất lượng cho thị trường nội địa.

Vốn là Công ty xuất khẩu, Công ty Cổ phần Phúc Sinh đã đầu tư nhà máy chế biến cà phê hiện đại, đồng thời phát triển thương hiệu tại các kênh phân phối siêu thị, đại lý.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Phúc Sinh, chia sẻ: “Trước đây công ty không chú trọng vào nội địa nhưng kể từ khi dịch xảy ra đã có những chiến lược bài bản, phù hợp hơn. Doanh thu nội địa trong các tháng vừa qua của Phúc Sinh đã tăng 200% so với thời điểm trước dịch. Hiện Phúc Sinh đang tiếp tục nâng tỷ lệ nội địa lên qua việc nghiên cứu và ra mắt những sản phẩm mới hợp với thị hiếu của người Việt, đồng thời phát triển kênh bán hàng online”.


Trong thời gian tới, ngành cà phê tập trung xác định không tập trung tăng diện tích mà tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng
Ảnh: lamnong

Theo ông Lương Văn Tự, trong thời gian tới, ngành cà phê tập trung xác định không tập trung tăng diện tích mà tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng. Lý do, không chỉ trên thế giới mà tại nội địa, người tiêu dùng cũng cần có sản phẩm cà phê chất lượng tốt từ nguyên liệu, đến pha chế cũng như cách tiếp cận – quảng bá của doanh nghiệp.

Theo thông tin từ Vicofa, các doanh nghiệp phải đầu tư khâu chế biến, chất lượng, xây dựng thương hiệu, quảng bá và đẩy mạnh mở rộng thị trường. Thời gian tới, các doanh nghiệp cà phê tập trung đẩy mạnh xuất khẩu cà phê rang xay hoà tan và những sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, doanh nghiệp không nên chạy theo số lượng xuất khẩu lớn mà có thể tập trung đẩy mạnh xuất khẩu theo đơn hàng nhỏ nhưng thuộc đặc sản chất lượng cao, giá trị gia tăng cao.

Kết thúc tháng 9/2020, xuất khẩu cà phê Việt Nam mới đạt 1,25 triệu tấn, trị giá 2,16 tỷ USD, giảm 1,4% về lượng và giảm 1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trước khó khăn trong xuất khẩu, việc thúc đẩy phát triển cà phê tại thị trường nội địa được cho là giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó hiệu quả. Bởi trong giai đoạn quy mô của thị trường cà phê Việt vào khoảng 20.000 tỷ đồng/năm song nhiều doanh nghiệp vẫn còn chưa chú trọng.

Sơn Mai
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X