Có người cắc cớ hỏi, năm mới thiếu gì chuyện vui, chơi, hưởng Tết, du xuân… sao không bàn, lại bàn về “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp?”; đề tài nặng quá. Tác giả cười cười, thưa: “Đọc thử chưa, nhẹ còn hơn bông gòn nữa”.
…
Hiện nay, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility) là đề tài “hot”, được nhắc nhiều từ các vị lãnh đạo Nhà nước và phương tiện truyền thông. Câu hỏi được đặt ra rằng: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) là những gì? Tại sao doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội? Và rằng, nếu doanh nghiệp không có trách nhiệm với xã hội thì có làm sao không?
Xin thưa, các nhà xã hội học, các nhà nghiên cứu kinh tế, các nhà hoạch định chính sách, sau khi nghiên cứu sự tác động qua lại giữa doanh nghiệp và xã hội đã chỉ ra rằng, CSR dựa trên 4 tiêu chí: Trách nhiệm với khách hàng. Trách nhiệm với bộ máy doanh nghiệp. Trách nhiệm với chủ doanh nghiệp. Trách nhiệm với xã hội.
Trách nhiệm với khách hàng
Trước khi có luật công ty và luật đầu tư (1990), kinh tế Việt Nam chỉ có hai thành phần, kinh tế quốc doanh và kinh tế hợp tác xã. Lúc này, mối quan hệ giữa doanh nghiệp quốc doanh và người tiêu dùng là, một bên cấp phát và bên nhận sự cấp phát. Do vậy, người tiêu dùng không giữ vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp quốc doanh.
Cùng thời điểm này nước ta chưa có doanh nghiệp tư nhân, vì vậy cũng chưa có chủ doanh nghiệp. Thế hệ chủ doanh nghiệp đầu tiên của nước ta vào năm 1975 (năm thống nhất đất nước) vừa tròn 18 tuổi. Họ chưa kịp học đại học và bước vào đời với đôi tay trống trơn.
Thế mà, chỉ vài thập niên sau đó, không ít người sở hữu nhiều doanh nghiệp, nắm giữ một nguồn vốn lớn và có thứ bậc cao trong xã hội. Cùng thời điểm đó, nền kinh tế nước ta bắt đầu xuất hiện nhiều thương hiệu lớn. Ai trao cho chủ doanh nghiệp sự giàu có và thứ bậc cao trong xã hội? Khách hàng! Ai tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp? Khách hàng! Ai tạo nên thương hiệu cấp quốc gia và cấp thế giới cho doanh nghiệp? Khách hàng!
Như vậy, trước hết doanh nghiệp phải có trách nhiệm với khách hàng vì, không có khách hàng thì không có chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp!
Trách nhiệm với khách hàng như thế nào? – Doanh nghiệp phải cung cấp cho khách hàng những sản phẩm an toàn; chất lượng và giá cả của hàng hóa phải làm cho khách hàng an tâm; cùng với dịch vụ bán, mua, hậu mãi tử tế.
Nếu doanh nghiệp thiếu hoặc không có trách nhiệm với khách hàng thì sao? – Thì, tất cả những gì khách hàng cho người chủ và cho doanh nghiệp, khách hàng sẽ lấy lại cả vốn lẫn lời!
Câu chuyện chiếc khăn “lụa mà không lụa” nóng hổi tính thời sự đã minh chứng điều đó.
Trách nhiệm với bộ máy doanh nghiệp
Bộ máy doanh nghiệp là những con người sát cánh với chủ doanh nghiệp từ những ngày đầu khởi nghiệp. Bộ máy doanh nghiệp đã biến những ý tưởng của chủ doanh nghiệp thành sản phẩm, dịch vụ. Bộ máy doanh nghiệp đưa sản phẩm và dịch vụ tới người tiêu dùng một cách tốt nhất. Bộ máy doanh nghiệp tạo nên sự giàu có cho người chủ và tạo nên thương hiệu cho doanh nghiệp. Và, chính bộ máy của doanh nghiệp chấp cánh cho doanh nghiệp bay cao vươn xa. Cũng chính bộ máy doanh nghiệp đem tiếng thơm về cho người chủ.
Do vậy, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với bộ máy doanh nghiệp.
Trách nhiệm với bộ máy doanh nghiệp như thế nào? – Phân công đúng người, đúng việc. Tạo môi trường làm việc an toàn, thoải mái. Trả lương, thưởng đúng với sự đóng góp. Tạo điều kiện cho bộ máy nâng cao kiến thức và chuyên môn. Hỗ trợ thuốc thang khi đau bệnh. Thỉnh thoảng cho người lao động nghỉ dưỡng, nghỉ phép.
Nếu doanh nghiệp không có trách nhiệm với bộ máy doanh nghiệp thì sao? – Thì doanh nghiệp đó sẽ không thể có những sản phẩm và dịch vụ hoàn hảo. Doanh nghiệp đó không giữ được người tài giỏi. Doanh nghiệp đó không có tương lai!
Trách nhiệm với chủ doanh nghiệp
Để hình thành doanh nghiệp, người chủ phải tìm nguồn vốn, nếu không có vốn phải vay, phải mượn; muốn vay mượn được phải thế chấp tài sản và uy tín chính bản thân mình. Có được vốn rồi là nhiều đêm thức trắng, nhiều ngày suy tư, tập trung xây dựng sản phẩm, dịch vụ. Doanh nghiệp thành công, xã hội và nhiều người hưởng lợi. Doanh nghiệp thất bại, một mình người chủ phải gánh chịu, nhiều khi hậu quả hết sức nặng nề… Do vậy, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với người chủ doanh nghiệp.
Trách nhiệm với người chủ doanh nghiệp như thế nào? – Bộ máy phải đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Từng người phải làm tốt nhất phần việc của mình. Giữ gìn tài sản, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo mật thông tin, và bảo vệ người chủ. Khuyên can chủ doanh nghiệp nếu thấy có biểu hiện gian dối khách hàng. Nhắc nhở chủ doanh nghiệp kinh doanh đúng pháp luật. Chia sẻ nỗi lo toan, chung tay với chủ giúp doanh nghiệp vượt nguy khốn.
Tại sao phải có trách nhiệm với chủ doanh nghiệp? – Tại vì, không có chủ doanh nghiệp thì không thể có doanh nghiệp. Không có doanh nghiệp thì không có bộ máy doanh nghiệp. Không có bộ máy doanh nghiệp thì thương trường không có hàng hóa để mua bán, không có dịch vụ để thụ hưởng. Và như vậy, người dân không việc làm, bộ máy nhà nước không phát huy hết tác dụng, ngân sách và thuế trống rỗng; cả một nền kinh tế đìu hiu.
Trách nhiệm với xã hội
Xã hội cung cấp cho doanh nghiệp nguồn nhân lực. Xã hội cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu. Xã hội cung cấp đồng vốn và môi trường kinh doanh. Xã hội cũng là nơi nhận khí thải, nước thải, rác thải. Xã hội còn hy sinh quỹ đất, cảnh quan, nguồn nước… cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Do vậy, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đối với xã hội.
Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội gồm hai phần: Vật chất và Tinh thần.
Vật chất là: Cơm, áo, gạo, tiền, thuốc, học bổng, có khi còn là sửa sang chỗ ở, hỗ trợ điều trị bệnh.
Tinh thần là: Tri thức, kinh nghiệm, năng lực lãnh đạo, kỹ năng quản trị, tinh thần khởi nghiệp, niềm lạc quan vào tương lai, tinh thần thiện nguyện và phụng sự xã hội, sự quan tâm và thấu hiểu…
Từ sau thế chiến thứ hai (1945), tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) khuyến cáo: Doanh nghiệp nên chú trọng thể hiện trách nhiệm đối với xã hội bằng cách trao tặng tinh thần hơn là trao tặng vật chất.
Dân gian hay nói, trao tặng vật chất là “cho con cá”. Trao tặng tinh thần là “giúp cần câu”.
“Cho con cá” doanh nghiệp cầm tiền ra chợ mua cá, cho, là xong.
“Giúp cần câu” đòi hỏi doanh nghiệp và người chủ không chỉ có tiền mà còn phải có tri thức, có tầm nhìn, có đạo đức, có văn hóa, có tấm lòng đối với Tổ quốc và dân tộc đã dung dưỡng doanh nghiệp.
CSR không chỉ riêng doanh nghiệp trong nước mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp đầu từ gián tiếp (Foreign Portfolio Investment) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment) trên địa bàn nước sở tại./.
Tạ Thị Ngọc Thảo