Thế chân vạc thị trường mì gói: Acecook – Masan – Asia Foods

Tổng doanh thu của các nhà máy Asia Foods đang nhỉnh hơn so với Masan Consumer. Hai công ty mì gói đi theo hai con đường khác nhau, một tập trung vào phân khúc bình dân, một hướng đến các sản phẩm cao cấp đáp ứng thị hiếu gia tăng của người tiêu dùng.


Thị trường mì gói Việt Nam chứng kiến sự thống trị của Acecook trong nhiều năm với thị phần lúc đỉnh cao lên đến khoảng 50%. Tuy nhiên, với miếng bánh ngày càng nở rộ, có nhiều đơn vị cả trong và ngoài nước đang lao vào cuộc đua tiếp cận 100 triệu người tiêu dùng.

Trong 5 năm gần nhất, Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về sức tiêu thụ mì ăn liền, với sản lượng tăng trưởng đều đặn.

Thế chân vạc sớm được hình thành, ngoài Acecook còn có sự góp mặt của Masan Consumer (thuộc Masan Group) và Asia Foods. Trong đó, vị trí số hai đang được cạnh tranh quyết liệt, thậm chí họ còn tham vọng lấy thị phần của kẻ đứng đầu.

Masan Consumer nổi tiếng nhất với thương hiệu mì ‘Omachi’ và ‘Kokomi’, còn AsiaFoods có ‘Gấu Đỏ’ làm nên tên tuổi trong vòng gần chục năm nay. Đây đều là các thương hiệu mì gói mạnh trên thị trường.

Theo Kantar Worldpanel, ‘Gấu Đỏ’ xếp thứ 4 trong danh sách 10 nhãn hiệu thực phẩm được người tiêu dùng chọn nhiều nhất ở nông thôn, ‘Kokomi’ xếp vị trí thứ 7. Nông thôn là thị trường lớn với các sản phẩm mì gói, khi mà tập trung khoảng 70% dân số Việt Nam. Sức cạnh tranh tại đây cũng là khốc liệt hơn nhất là khi các nhà sản xuất sử dụng chiến lược về giá. 4 trên 10 nhãn hiệu được người tiêu dùng nông thôn lựa chọn nhiều nhất là mì gói, trong đó ‘3 miền’ của Uniben xếp thứ 2 còn ‘Hảo Hảo’ xếp ngay sau. Tại thành phố, Hảo Hảo chiếm vị trí độc tôn vượt qua tất cả các mặt hàng tiêu dùng khác.


Top 10 nhãn hiệu thực phẩm được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất ở thành thị và nông thôn
Theo: Kantar Worldpanel

Quay trở lại với Masan Consumer và Asia Foods, cuộc đua của hai nhà sản xuất lớn này cũng rất hấp dẫn khi nhìn vào số liệu kết quả kinh doanh.

Ngành hàng thực phẩm tiện lợi của Masan Consumer, chủ yếu là mì gói năm vừa rồi đạt doanh thu thuần 4.968 tỷ đồng, tăng 7%. Báo cáo thường niên của công ty này nói rằng Omachi tiếp tục dẫn đầu phân khúc cao cấp, tăng trưởng 25% nhờ vào việc liên tục giới thiệu các trải nghiệm độc đáo của sản phẩm mì hộp, mì trộn. Masan Consumer kỳ vọng vào tăng trưởng vượt trội với việc không ngừng đổi mới và dẫn dắt thị trường sản phẩm mì cao cấp.

Trước đó một năm, doanh thu mảng mì của Masan Consumer chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục, tăng 29% đạt 4.636 tỷ đồng. Tăng trưởng cả về sản lượng và mức giá bán bình quân của công ty này đến từ việc tung ra sản phẩm mì ‘Omachi Cup’, bên cạnh đó là các sản phẩm mì ly cao cấp ‘Omachi Business Class’.

Biên lãi gộp mảng mì của Masan Consumer đã cải thiện đáng kể trong 10 năm qua, từ 27% giai đoạn 2010 đến nay đã tiệm cận ngưỡng 40%. Điều này cho thấy chiến lược cao cấp đang cho thấy tính hiệu quả. Cũng trong giai đoạn này, doanh thu mì gói của Masan Consumer đã tăng hơn 3 lần.


Asia Foods cũng tỏ ra không hề kém cạnh, các nhà máy của công ty này phân bổ khắp 3 miền. Asia Foods có lịch sử tròn 30 năm sản xuất mì ăn liền tại Việt Nam, nhà máy trung tâm tại An Phú, Bình Dương được khánh thành năm 2003 có công suất 1,25 tỷ gói mì mỗi năm. Đến 2011 – 2012, công ty mở thêm một nhà máy tại Bắc Ninh và một tại Đà Nẵng. Ngoài ra, một nhà máy khác của Asia Foods cũng đặt tại Bình Dương (Asia Foods III).

Doanh thu của Asia Foods (công ty mẹ) trong năm ngoái đạt 3.071 tỷ đồng, tăng hơn 9%. Nhà máy Asia Foods III thu về 1.600 tỷ đồng, giảm nhẹ; nhà máy Bắc Ninh đạt 583 tỷ đồng; còn tại Đà Nẵng đạt gần 200 tỷ đồng. Quy mô của 4 nhà máy khoảng 5.454 tỷ đồng doanh thu, vượt Masan Consumer. Sản phẩm của Asia Foods không chỉ bán nội địa mà còn xuất khẩu đi nhiều nước Châu Á và Đông Âu.

Tuy vậy, về tỷ suất sinh lời sản phẩm Asia Foods lại không cao bằng. Biên lãi gộp công ty mẹ chỉ hơn 24%, nhà máy Asia Foods III 23%, nhà máy Bắc Ninh 13%, trong khi nhà máy Đà Nẵng giảm sâu xuống còn trên 4%.


Lợi nhuận thu về ở các nhà máy vệ tinh của Asia Foods là tương đối ấn tượng, Asia Foods III lãi ròng 331 tỷ đồng, Bắc Ninh lãi 59 tỷ đồng và Đà Nẵng 5 tỷ đồng đều là mức sát với lợi nhuận gộp. Điều này khả năng đến từ việc chi phí quản lý, bán hàng tập trung hết vào công ty mẹ. Bản thân công ty mẹ Asia Foods cũng báo lãi 409 tỷ đồng năm vừa rồi.

Như vậy, xét về chỉ tiêu lợi nhuận cuối cùng, Asia Foods đang tỏ ra vượt trội so với Masan Consumer ở mảng mì gói. Lấy ví dụ trong năm 2018, công ty của Tập đoàn Masan đạt doanh thu hơn 4.800 tỷ đồng, lãi thuần khoảng 659 tỷ đồng. Còn riêng công ty mẹ Asia Foods đã lãi ròng 877 tỷ đồng, nhưng số này bao gồm cả phần lợi nhuận khác (có thể là lợi nhuận tài chính từ các nhà máy vệ tinh).

Theo quan sát, Asia Foods tỏ ra im hơi lặng tiếng hơn rất nhiều so với các đối thủ lớn là Acecook và Masan Consumer về mặt truyền thông. Đi giữa lằn ranh của hai “gã khổng lồ” tuy nhiên số liệu cho thấy công ty này dường như không hề bị hụt hơi.

Ngoài việc tập trung vào thị trường nông thôn, Asia Foods cũng có nguồn doanh thu từ hoạt động xuất khẩu. Công ty này cho biết hiện đang chiếm lĩnh hơn 50% thị phần mì ăn liền tại Campuchia với thương hiệu Red Bear. Tuy nhiên khác với Việt Nam, dung lượng thị trường mì ăn liền của Campuchia không quá lớn.


(Đổi tiêu đề bởi Brands Vietnam)

* Nguồn: CafeF

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X