Gần 2,5 triệu tiệm tạp hoá và chợ truyền thống Việt có nguy cơ bị “bỏ lại” phía sau trong nền kinh tế số!

Dịch Covid-19 vừa qua đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ, đồng thời đặt ra áp lực chuyển đổi số cho mọi thành phần trong nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp truyền thống cũng như doanh nghiệp nhỏ vốn chủ yếu hoạt động offline, bao gồm chợ và tạp hoá hiện nay.



Dịch Covid-19 đã và đang thúc đẩy nhanh hơn công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam: từ việc mua sắm trực tuyến lên ngôi, đến hàng loạt doanh nghiệp từ lớn đến bé phải số hoá để tổng hợp dữ liệu nhằm đưa ra quyết định nhanh, ứng phó kịp thời với những biến động thị trường.

Trong đó, hành vi mua sắm mới đang đẩy hơn 75% kênh bán lẻ, cụ thể là các tiệm tạp hoá, chợ truyền thống, bị bỏ lại phía sau. Theo số liệu Nielsen, Việt Nam hiện có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hoá và 9.000 chợ truyền thống, chiếm đến ¾ tổng thị phần với doanh thu trên dưới 10 tỷ USD. Thống kê bởi Kantar Worldpanel Việt Nam cũng ghi nhận các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu của người dân.

Dù vậy, dịch Covid-19 vừa qua đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ, đồng thời đặt ra áp lực chuyển đổi số cho mọi thành phần trong nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp truyền thống cũng như doanh nghiệp nhỏ vốn chủ yếu hoạt động offline, bao gồm chợ truyền thống và tạp hoá hiện nay.

Thực tế, chúng ta đã từng nghe những con số tăng trưởng khủng của các dịch vụ “đi chợ hộ” của beGroup, Grab… Hệ thống đặt và giao hàng của hàng loạt chuỗi siêu thị như BigC, Co.op Mart, AEON Mall cũng hoạt động tối đa công suất trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, đến nay vẫn duy trì hoạt động, thậm chí đang được chú trọng cải tiến và hoàn thiện mỗi ngày.

Đơn cử, GrabMart là nền tảng đáp ứng nhu cầu mua sắm lương thực và hàng hoá thiết yếu trong giai đoạn Covid-19, được triển khai vào tháng 3 năm nay. Thống kê lúc bấy giờ cho thấy, tổng số đơn hàng trung bình của GrabMart tăng trưởng 3 chữ số, số lượng tương tác tăng gấp 7 lần so với quý liền trước.

Điều này đưa đến kết luận, các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị đã, đang và tiếp tục trên đà phát triển rất mạnh, dù tỷ trọng đâu đó chỉ khoảng 25% toàn ngành. Đồng nghĩa, các kênh truyền thống dù trước đó vẫn đang hoạt động ổn định, đến nay phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu trước sự thay đổi nhanh chóng hành vi tiêu dùng. Trong khi, đây lại là các đối tượng hoạt động manh nhún, nhỏ lẻ và sự nắm bắt, ứng phó với thị trường thấp.

Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thái Hải Vân – Giám đốc điều hành Grab Việt Nam – nhấn mạnh: “Tạp hoá, chợ truyền thống hơn bao giờ hết cần ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, nếu không sẽ phải đối mặt nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong nền kinh tế số”. Nắm bắt được nhu cầu cấp thiết trên, Grab từ tháng 9 năm nay đã thử nghiệm đưa chợ truyền thống lên nền tảng trực tuyến GrabMart, bước đầu áp dụng tại Đà Nẵng, Hà Nội và ghi nhận tín hiệu rất tích cực: Số lượng đơn hàng/ngày tính đến tháng 12/2020 tăng gấp 2 lần so với tháng trước đó.

Năm 2021, Grab cho biết sẽ chi tổng ngân sách 5 tỷ để phát triển hoạt động truyền thông trên GrabMart, cụ thể hỗ trợ các tiểu thương tăng đơn hàng, đặc biệt trong dịp mua sắm cuối năm. Được biết, Việt Nam là nước thứ ba trong khu vực Đông Nam Á mà Grab triển khai số hoá chợ truyền thống. Tính đến nay, GrabMart đang hỗ trợ khoảng 100 tiểu thương tại các chợ truyền thống Đà Nẵng, Hà Nội, Tp.HCM bao gồm chợ Nghĩa Tân, Thành Công, Ngọc Khánh, Hữu Tiệp… Công ty đặt kế hoạch sẽ tăng lượng tiểu thương tại 3 thành phố này lên gấp 10 lần trong năm tiếp theo (năm 2021).

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X