Thị trường bất động sản có vực dậy sau tác động nặng nề của dịch Covid-19?

Tác động nặng nề bởi đại dịch CoViD-19 làm trầm trọng thêm những khó khăn sẵn có của thị trường bất động sản 3 năm gần đây. Thời gian tới, liệu thị trường bất động sản có khởi sắc trở lại hay không?


Nhiều doanh nghiệp bất động sản thành phố chuyển hướng đầu tư về các tỉnh

Theo HoREA, thị trường bất động sản 10 tháng năm 2020 được chia làm 2 giai đoạn. Cụ thể, từ tháng 3 – 7/2020, thị trường bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, làm trầm trọng thêm những khó khăn sẵn có của thị trường bất động sản trong 3 năm gần đây.

Thị trường bị sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Dù bị tác động bởi đại dịch, nhưng giá bán nhà trên thị trường sơ cấp vẫn “neo” cao. Giá nhà chỉ giảm trên thị trường thứ cấp (hầu hết do bán lại, chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ) và thị trường bất động sản cho thuê. Giao dịch bị sụt giảm dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thanh khoản. Trong lúc đa số người tiêu dùng bị sụt giảm thu nhập làm sụt giảm khả năng tạo lập nhà ở.


Thị trường bị sụt giảm cả nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội

Trong thị trường bất động sản, đại dịch CoViD-19 đã tác động rất lớn đến phân khúc bất động sản cho thuê (văn phòng cho thuê; nhà, mặt bằng cho thuê; trung tâm thương mại cho thuê); bất động sản du lịch, condotel; môi giới bất động sản và khoảng 35 ngành nghề có liên quan bất động sản.

Từ tháng 8/2020 đến nay, trên cơ sở cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, thị trường bất động sản đã từng bước phục hồi trở lại, đi đôi với sự tăng trưởng mạnh của thị trường bất động sản công nghiệp.


Đồng Nai: Triển lãm “Kết nối đầu tư bất động sản Đông Nam bộ” giúp doanh nghiệp BĐS vượt qua khó khăn dịch Covid-19

Cũng theo HoREA, trong 9 tháng đầu năm chỉ có 163 căn nhà ở bình dân đủ điều kiện huy động vốn, chiếm tỷ lệ 2,5%, giảm đến 98,5%, trên tổng sản phẩm nhà ở trên thị trường, so với cùng kỳ năm 2019.

Sở Xây dựng đã xác nhận trong 9 tháng đầu nă 2020, chỉ có 20 dự án đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai (giảm 12 dự án, giảm 37,5% so với cùng kỳ năm 2019), với tổng số 6.722 căn nhà, giảm 65,8% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó có 5.338 căn hộ (467.051 m2 sàn xây dựng) và 1.381 căn nhà thấp tầng (482.499 m2 sàn xây dựng) và 3 căn biệt thự (1.589 m2 sàn xây dựng), tổng giá trị huy động vốn là 41.138 tỷ đồng (đã bao gồm VAT, chưa bao gồm 2% phí bảo trì).

Cuối tháng 10/2020, Sở Xây dựng công bố thêm 10 dự án nhà ở đủ điều kiện huy động vốn bán nhà hình thành trong tương lai, với 9.147 căn, gồm 8.317 căn hộ nhà chung cư và 830 căn nhà thấp tầng, bổ sung thêm nguồn cung nhà ở trong quý 4/2020.

Đại dịch CoViD-19 tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế và cả lĩnh vực bất động sản, làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản, vốn đã khó khăn kể từ năm 2018. Cả nước, 8 tháng đầu năm 2020 đã có đến 923 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác, có tác động tiêu cực đến 35 ngành nghề có liên quan đến thị trường bất động sản và ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người lao động. Đồng thời, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết có khoảng 80% sàn giao dịch bất động sản phải dừng hoạt động trong thời gian qua.

Cũng theo Hiệp hội, mặc dù, thành phố Hồ Chí Minh vẫn hội tụ rất nhiều lợi thế để đầu tư kinh doanh bất động sản hiệu quả, nhưng do vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư xây dựng và môi trường kinh doanh (chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PAPI không nằm trong top 12), nên đã xuất hiện xu thế một số Tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn rời Thành phố, chuyển hướng đầu tư về các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao, các tỉnh ven biển có tiềm năng phát triển du lịch và vùng thủ đô Hà Nội.

Thị trường BĐS cuối năm liệu có khả thi?

Thị trường địa ốc TP.HCM đã có tín hiệu khởi sắc trở lại, nhưng đi kèm với đó là mức tăng giá khá cao. Trước bối cảnh này, nhà đầu tư đang có xu hướng đa dạng hóa các kênh đầu tư, tìm kiếm đến các khu vực giá có mức giá phải chăng. Trong khi giá bán mới của căn hộ khu trung tâm 94 – 150 triệu đồng/m², khu Đông ở ngưỡng 48 – 130 triệu đồng/m², khu Nam là 50 – 130 triệu đồng/m², thì các dự án tại khu Tây và Tây Nam hiện đang có giá bán dao động từ 37 – 60 triệu đồng/m2 tùy phân khúc.


Thị trường địa ốc TP.HCM đã có tín hiệu khởi sắc trở lại, nhưng đi kèm với đó là mức tăng giá khá cao.

Theo dự báo từ DKRA Vietnam, đất nền vẫn tiếp tục là kênh đầu tư được chọn lựa hàng đầu. Nguồn cung mới tiếp tục duy trì sự khan hiếm; các dự án được triển khai đa phần có quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở khu vực vùng ven như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Quận 9,…

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung có thể duy trì mức tương đương so với Quý 3, dao động ở mức 6,500 – 7,000 căn. Sức cầu chung toàn thị trường có thể duy trì xu hướng tăng như ở Quý 3. Khu Đông và khu Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung. Căn hộ hạng A và hạng B tiếp tục dẫn dắt thị trường trong khi nguồn cung căn hộ hạng C vẫn duy trì sự khan hiếm, thậm chí là không có.

Nguồn cung mới phân khúc nhà phố/biệt thự có thể sẽ tăng so với Quý 3, dao động ở mức 800 – 1,000 căn. Khu Đông tiếp tục dẫn đầu thị trường về nguồn cung của phân khúc này. Sức cầu thị trường có thể tăng nhẹ nhưng khó có sự gia tăng đột biến trong ngắn hạn.


Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu và cả năm 2021, thị trường BĐS cả nước và TP.HCM sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại

Với bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới có thể sẽ tăng, đạt mức 700 – 800 căn condotel, 600 – 800 căn biệt thự biển. Dự án đa phần tập trung ở Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc và Quảng Nam. Sức cầu chung toàn thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp và chưa có sự thay đổi đột biến trong ngắn hạn. Loại hình nhà phố/shophouse biển có thể hồi phục tích cực trong thời gian tới.

Dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu và cả năm 2021, thị trường BĐS cả nước và TP.HCM sẽ tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng trở lại, do có những tác động tích cực từ việc cả nước kiểm soát hiệu quả đại dịch CoViD-19 và Nhà nước đã có một số cơ chế chính sách mới.

Theo Pa Lê

Dân sinh

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X