AirAsia Nhật Bản xin phá sản, thành “nạn nhân” mới nhất của đại dịch Covid-19

Tập đoàn AirAsia đang chịu áp lực lớn trước cú sốc gây ra bởi đại dịch Covid-19 khi hàng loạt máy bay phải nằm không và lượng hành khách lao dốc…


Theo tin từ Bloomberg, AirAsia Japan Co., chi nhánh của tập đoàn AirAsia tại Nhật Bản, vừa đệ đơn xin phá sản lên Tòa án Quận Tokyo District Court, hơn một tháng sau khi tuyên bố dừng hoạt động tại nước này do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.


“Với tình hình tài chính hiện tại của Asia chi nhánh Nhật Bản, chúng tôi rất lấy làm tiếc phải thông báo rằng AirAsia Nhật Bản không thể chi trả các khoản nợ chưa thanh toán”, thông cáo của Tập đoàn Asia cho biết. “Chúng tôi chân thành xin lỗi vì sự bất tiện gây ra cho những khách hàng đã sử dụng dịch vụ hoặc đặt vé bay với AirAsia Nhật Bản”.

Tập đoàn AirAsia, có trụ sở ở tại Malaysia, đang chịu áp lực lớn trước cú sốc gây ra bởi đại dịch Covid-19 khi hàng loạt máy bay phải nằm không và lượng hành khách lao dốc. Trong quý 2/2020, AirAsia báo lỗ kỷ lục 238 triệu USD, so với mức lãi 4,3 triệu USD cùng kỳ năm trước. Doanh thu trong quý của tập đoàn này giảm tới 96% xuống còn 28,9 triệu USD do lượng hành khách giảm tới 98%.

Trước đó, tập đoàn AirAsia đã ngừng đầu tư cho chi nhánh AirAsia Ấn Độ, khiến tương lai của chi nhánh này phụ thuộc vào cổ đông lớn – tập đoàn Tata Group. AirAsia X Bhd., chi nhánh chuyên các chặng bay đường dài của AirAsia, cũng không khá khẩm hơn khi hồi đầu tháng phải trình đề xuất tái cơ cấu nợ mới cho các chủ nợ.

Trước khi tuyên bố phá sản, AirAsia Nhật Bản đã hủy tất cả các chuyến bay, bao gồm chặng bay từ Nagoya đi Đài Bắc. Tuy nhiên, các đường bay đi và đến Nhật do những chi nhánh khác của AirAsia, bao gồm AirAsia Thái Lan và AirAsia Philippines, không bị ảnh hưởng. Các chặng quốc tế đến Nhật Bản từ Malaysia, Thái Lan và Philippines sẽ tiếp tục hoạt động sau khi chính phủ Nhật nới lỏng lệnh hạn chế đi lại và mở lại biên giới.

Những hành khách đã đặt vé với AirAsia Nhật Bản có thể đăng ký hoàn tiền từ tháng 4/2021 hoặc được chuyển sang bất kỳ chặng bay nào khác do AirAsia vận hành.

Trên thế giới, các hãng bay tiếp tục chịu sức ép lớn về tài chính do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến doanh thu lao dốc trầm trọng. Nhiều hãng bay đã phải cắt giảm hàng nghìn nhân viên và cố gắng tìm nguồn cứu trợ để tiếp tục tồn tại. Trong khi đó, không ít hãng buộc phải xin phá sản vì không thể cầm cự.

Theo dữ liệu của Cirium, từ đầu năm đến nay, khoảng 43 hãng bay thương mại trên thế giới đã ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động. Trong số này có nhiều hãng bay lớn như Virgin Australia, Virgin Atlantic, Cathay Dragon hay Thai Airways.

Trong khi đó, nhiều hãng khác phải cắt giảm hàng loạt nhân sự. Hãng hàng không Hồng Kông Cathay Pacific đã sa thải hơn 8.500 nhân viên. Các nhà sản xuất máy bay như Boeing cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng khi tuyên bố cắt giảm hơn 30.000 nhân viên vào cuối năm tới.

Theo Hiệp hội Du lịch Hàng không Quốc tế (IATA), doanh thu ngành hàng không dự kiến giảm 46% vào năm 2021 so với năm 2019 và dự báo ngành này sẽ phải cắt giảm 40% nguồn lực để phù hợp với nhu cầu bay.

Trong khi đó, Cirium nhận định nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trên thế giới đang ở tình trạng tồi tệ hơn cả các kịch bản bi quan nhất. Công ty này dự báo ngành công nghiệp hàng không quốc tế chỉ có thể phục hồi về mức năm 2019 vào năm 2024, lâu hơn so với dự báo quý 2/2021 trước đó.

Theo Hoài Thu

VnEconomy

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X