Doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh ra sao trong cơn đại dịch?

8 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm nhẹ 0,02%, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,5%.


Năm 2019, thị trường bán lẻ được cho là tạo dấu ấn sôi động trên thị trường, với sự gia tăng mạnh mẽ cả về tổng lượng bán lẻ, số lượng và quy mô của các chủ thể gia nhập thị trường bán lẻ. Đặc biệt là sự phát triển của mô hình bán lẻ hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị cỡ vừa và nhỏ, cửa hàng tiện lợi, đạt mức tăng trưởng 21,5% so với năm 2018.

Sóng cả không ngã tay chèo

Theo báo cáo từ Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), bước sang 2020, ngành bán lẻ được cho là cố gắng vững tay chèo trong thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh. Bán lẻ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất trên cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực.


Trong quý II/2020 do lệnh giãn cách xã hội của Chính phủ khiến hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trong ngành bán lẻ đã tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019. Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính chung 8 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm nhẹ 0,02%, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,5%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 9,5%.

Mặc dù doanh thu mua sắm trực tiếp giảm, nhưng ngành bán lẻ Việt Nam vẫn ghi nhận những dấu hiệu tích cực từ thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng. Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cho thấy: 41,7% doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19; 50% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và 8,3% doanh nghiệp bị tác động ít, không đáng kể.


Ở chiều ngược lại, dưới tác động của lệnh giãn cách do COVID-19, hành vi tiêu dùng của khách hàng đã thay đổi rất nhiều, kéo theo đó là những ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của ngành bán lẻ. Cụ thể, có 85,3% người tiêu dùng trong khảo sát của Vietnam Report phản ánh họ phải tiết kiệm chi tiêu.

Trong đó, 58,8% người được hỏi cắt giảm mua sắm các sản phẩm không thiết yếu như quần áo, giày dép; 70,6% cắt giảm thiết bị thể thao và hoạt động ngoài trời và 36,3% tăng mua các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ để phòng chống dịch, đặc biệt các sản phẩm có nguồn gốc organic.

Triển vọng cuối năm: Thận trọng và Dè dặt

Với nhiều khó khăn phải đối mặt trong năm 2020 do tác động của COVID-19, sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, có đến 54,5% doanh nghiệp bán lẻ trong khảo sát của Vietnam Report cho rằng triển vọng ngành bán lẻ trong những tháng cuối năm 2020 sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm trước; 36,4% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn một chút và chỉ có 9,1% doanh nghiệp đánh giá khả quan hơn một chút.


Nhìn chung, trong khảo sát doanh nghiệp và các chuyên gia trong ngành do Vietnam Report thực hiện tháng 8/2020, mặc dù trong trước mắt thị trường bán lẻ của Việt Nam có thể gặp khó khăn do tác động nhất định của đại dịch, nhưng về mặt dài hạn, trong ít nhất 3 năm tới, đây vẫn luôn được đánh giá là ngành có nhiều tiềm năng phát triển với thị trường gần 100 triệu dân.

Mức thu nhập ngày càng cao nhờ kinh tế phát triển ổn định, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, cùng xu hướng mua sắm, tiêu dùng mới, đặc biệt khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, được đánh giá sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hoá và dịch vụ của EU tiếp cận thị trường Việt Nam được thuận lợi hơn.

Hiệp định EVFTA góp phần tạo sức hút cho các doanh nghiệp lớn của Châu Âu đẩy mạnh đầu tư vào ngành bán lẻ của Việt Nam, dẫn đến cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này vốn đã gay gắt nay lại trở lên khốc liệt hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ cũng gặp nhiều thách thức khi phải liên tục thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và nhiều mô hình bán lẻ.

Minh Anh
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X