Nhà hàng, chuỗi cà phê đồng loạt bật chế độ “phản ứng nhanh”

Quyết định đóng cửa cơ sở dịch vụ, ăn uống đến hết 14/2 của UBND TP.HCM khiến các nhà hàng, quán ăn phải lập tức triển khai phương án dự phòng.


Chiều ngày 24/3, trước khi thanh toán tiền tại một nhà hàng đồ Âu trên đường Mạc Thị Bưởi, quận 1 (TP.HCM), nhân viên phục vụ đặt kèm 3-4 thực đơn các nhà hàng cùng thuộc sở hữu của chuỗi vào hóa đơn khách hàng.

Chuỗi nhà hàng này đã bắt đầu chương trình giao hàng tại nhà từ tuần trước đó do tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, với quy định mới của UBND TP.HCM, từ hôm sau, nhà hàng sẽ chuyển hẳn sang bán online và mua mang về.

Nhà hàng, quán ăn mở dịch vụ ship tại nhà

Ông Philip Nguyễn Kỳ – chủ chuỗi Đảo Hải Sản và Lobster Bay chia sẻ: “Chúng tôi tập trung giao hàng tận nhà khoảng 1 tháng nay, nhưng vẫn chưa đạt doanh thu kỳ vọng, chi phí cũng còn cao. Đợt này đóng cửa thì bắt buộc đẩy mạnh bán online. Tôi nghĩ quyết định đóng cửa của TP sẽ lâu hơn, nên sớm lên phương án tiếp theo”.

Tương tự, nhà hàng Cơm Gà Hải Nam, một quán ăn có tiếng ở quận 1 cũng đã áp dụng phương thức giao đồ ăn toàn bộ, không phục vụ khách trực tiếp tại quán. Chủ cửa hàng đã chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh sang các nền tảng giao hàng như GrabFood, Now, Go-food, Baemin…

 

Quán cơm gà Hải Nam chuyển hẳn sang chế độ kinh doanh thông qua ứng dụng gọi món. Ảnh: Chí Hùng

Các thương hiệu cà phê, trà sữa như Gong Cha, Highlands Coffee, Phúc Long… cũng lần lượt thông báo ngừng phục vụ khách trực tiếp tại cửa hàng, đồng thời hướng dẫn khách sử dụng các tính năng mua mang về hoặc đặt giao hàng.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp chủ động hạn chế việc tập trung đông người khi mua mang về. Ông Võ Duy Phú – Giám đốc Thương mại và Marketing thương hiệu The Coffee House, cho biết chuỗi cà phê này sẽ đóng cửa hơn 100 cửa hàng tại TP.HCM, ngừng hoạt động mua hàng mang đi và chỉ phục vụ giao hàng tận nhà cho khách sử dụng ứng dụng riêng của The Coffee House.

Theo đó, chuỗi chỉ duy trì hoạt động bếp của 20 cửa hàng để phục vụ nhu cầu giao hàng.

“Chúng tôi nghĩ việc khách đến mua mang về cũng không phù hợp với chỉ đạo của Nhà nước. Có thể cứu thêm vài tỷ đồng doanh thu nhưng lại không thể góp sức chống dịch bệnh. Chúng tôi mong muốn khách hàng yên tâm ở nhà và sử dụng dịch vụ giao hàng”, ông chia sẻ.

Ông cũng cho biết thêm, trong thời gian qua, kênh giao hàng tăng trưởng 30% doanh số nhưng không thể bù đắp thiếu hụt tại cửa hàng. Tuy nhiên, nhiều chủ mặt bằng đã hỗ trợ giảm 20-50% chi phí, thậm chí một số nơi miễn phí 1 tháng tiền nhà.

Thay đổi mô hình để tồn tại

Nhà hàng Rạn Biển 5 nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 là cơ sở có quy mô lớn nhất trong chuỗi thương hiệu hải sản này. Với quy mô hơn 5.000m2, trước đây, nhà hàng thường kín khách cả ngoài sân lẫn các phòng VIP. Muốn có chỗ vào các ngày cuối tuần, khách hàng phải đặt trước.

Từ khi dịch COVID-19 lan rộng, lượng khách đến quán giảm tới 50%, nhưng nơi đây vẫn được xem là địa điểm kinh doanh khá hơn nhiều các cơ sở khác. Sau quyết định bất ngờ của TP vào chiều 24/3, hàng loạt khách đặt bàn gọi điện báo huỷ. Vào lúc 19h, thời điểm đông nhất của quán, cả một sân rộng của Rạn Biển 5 chỉ có duy nhất một bàn với 6 thực khách. Còn lại là rải rác nhóm khách nhỏ trong phòng VIP.

 

Nhiều nhà hàng quyết định thay đổi lại cách bài trí chỗ ngồi, giảm lượng khách phục vụ. Ảnh: PV

Quản lý nhà hàng cho biết từ sau dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhà hàng đã chủ động cắt giảm lượng hàng dự trữ. Số lượng nhân viên cũng đã giảm một nửa, nhóm nhân viên ở lại chấp nhận giảm 30% lương.

“Với quyết định từ lãnh đạo UBND TP, chúng tôi sẽ chấp hành và có giải pháp. Quán sẽ chỉ nhận đủ số lượng khách dưới 30 người. Chúng tôi không bố trí khách ngồi nhiều ở bàn ngoài trời nữa, mà phân bổ vào các phòng VIP để đảm bảo an toàn”, quản lý nơi đây cho biết.

Ông Lê Hải Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mắt Bão, nhận định đây là thời điểm khá khó khăn doanh thu không có, nhiều chủ kinh doanh vẫn phải chi trả tiền mặt bằng do không thương lượng được với chủ nhà, tuy nhiên, các doanh nghiệp phải có kế hoạch thay đổi để tồn tại.

Ông đưa ra giải pháp, bên cạnh phát triển mô hình giao đồ ăn, đối với các nhà hàng vẫn bán trực tiếp, chủ doanh nghiệp nên giảm quy mô phục vụ xuống dưới 30 khách, xếp bàn ghế cách xa nhau khoảng 2 m, in sẵn sơ đồ bố trí bàn ngay cửa ra vào, thể hiện rõ số chỗ ngồi, lượng khách, khoảng cách… để giúp cơ quan quản lý kiểm tra dễ dàng, tạo tâm lý an tâm và thoải mái cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ.

* Nguồn: Zing News

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X