Những cánh chim trở lại (Phần 1): Nokia – Lập trình lại để tăng trưởng

Đây là những doanh nghiệp tiêu biểu cho việc tái cấu trúc và trở lại mạnh mẽ sau thời kỳ thoái trào. Sự cơ cấu có thể đến từ việc đặt ra một mục đích rõ ràng hơn, định nghĩa lại các chiến lược tập trung, tái cấu trúc để tinh giản bộ máy và cắt giảm chi phí, xây dựng văn hóa doanh nghiệp hoặc đầu tư nhiều hơn vào công nghệ kỹ thuật số.

Nokia đã thay đổi hoạt động kinh doanh rất nhiều lần trong 150 năm lịch sử của doanh nghiệp, khởi nguồn từ một nhà máy giấy tại Phần Lan năm 1865 rồi sau đó chuyển qua rất nhiều ngành công nghiệp khác. Họ không dừng lại ở lĩnh vực sản xuất điện thoại và thiết bị mạng cho đến những năm 1980 khi mà công nghệ di động bắt đầu vươn xa.

Năm 2007, Nokia thống trị ngành công nghiệp sản xuất điện thoại với hơn 40% thị phần toàn cầu nhờ vào những công nghệ tiên tiến và lợi thế sản xuất quy mô lớn. Chỉ 5 năm sau đó, Nokia đã gặp phải cuộc khủng hoảng vô cùng khốc liệt: vốn hoá thị trường giảm hơn 96%. Công ty đốt sạch lượng tiền mặt mà họ có, và hoạt động trong cảnh thua lỗ hơn 2 tỷ USD chỉ trong 6 tháng đầu năm 2012.

Để phản ứng lại, Nokia đã khởi động một kế hoạch đầy kịch tính với hy vọng đưa công ty trở về thời hoàng kim. Câu hỏi chiến lược lớn nhất là niềm tin của họ vào lĩnh vực điện thoại. Trong cuộc chiến giữa các hệ điều hành di động, IOS của Apple và Android của Google đã tiếp cận tới lượng khách hàng cực lớn, và dường như chẳng có đất diễn cho Windows Phone của Nokia. Thay vào đó, Nokia quyết định bán lĩnh vực di động cho Microsoft và thông báo về thương vụ trị giá 7,2 tỷ USD trong tháng 9 năm 2013.

Sau khi thoái vốn khỏi lĩnh vực di động, Nokia đã đầu tư vào 3 lĩnh vực: hạ tầng mạng, dịch vụ bản đồ; công nghệ và nhượng quyền sáng chế. Và điều này dẫn tới câu hỏi lớn thứ 2 dành cho họ: Nokia có nên phát triển thành công ty đầu tư hay chỉ nên tập trung vào các hoạt động của mình?

Mảng hạ tầng mạng là mảng chính của Nokia. Nhưng từ 2007 trở đi, Nokia đã hoạt động trong lĩnh vực này với hợp đồng liên doanh với Siemens và lên kế hoạch để giảm thiểu sự tham gia bằng cách chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc IPO để thoái vốn.

Vốn hóa thị trường của Nokia giảm 96% trong giai đoạn 2007-2012. Nguồn: S&P Capital IQ.

Nhưng trong năm 2013, khi cảm nhận được cơ hội, Nokia đã mua lại toàn bộ cổ phần của Siemens để kiểm soát hoàn toàn mảng này. Vì sao lại như vậy? Cuộc liên doanh đã kết thúc, phải có một công ty làm chủ liên doanh này, kiểm soát hoàn toàn rủi ro cũng như lợi nhuận thu được. Nokia đã thành công, trong vòng 2 năm sau đó họ biến viễn thông thành lĩnh vực hoạt động chính của công ty, thu lại vài tỷ USD lợi nhuận cho cổ đông.

Toàn bộ kế hoạch lớn của Nokia cho việc kinh doanh hạ tầng mạng đã được tiết lộ vào năm 2015 khi Nokia thông báo ý định mua lại Alcatel-Lucent. Với ngành công nghiệp được định giá 16,6 tỷ USD, Nokia đã mở rộng từ nhà cung cấp mạng di động sang nhà cung cấp hạ tầng mạng dịch vụ đầy đủ (bao gồm các dịnh vụ như định tuyến IP hay mạng cáp quang) và tăng cường sự hiện diện tại Bắc Mỹ. Trong cùng năm đó, Nokia đã tăng cường trọng tâm của mình bằng cách bán mảng bản đồ định vị cho một nhóm các công ty xe hơi của Đức (bao gồm Audi, BMW và Daimler) với giá 3 tỷ USD.

Bất chấp việc định vị lại thành một nhà cung cấp hạ tầng mạng chính thức, Nokia đã quyết định giữ lại bằng sáng chế và cấp phép công nghệ để tiếp tục di sản về sự đổi mới và sáng tạo của họ. Ngoài việc cung cấp phần lớn các bằng sáng chế của Nokia, mảng công nghệ tập trung vào việc đổi mới trong các lĩnh vực như thực tế ảo và sức khỏe kỹ thuật số. Mặc dù mảng này chiếm ít hơn 5% doanh thu của Nokia trong năm 2016, họ tạo ra 22% lợi nhuận hoạt động và, theo các nhà phân tích, chiếm tỷ trọng cao hơn thế trong định giá của công ty.

Để minh họa mức độ thay đổi mạnh mẽ của Nokia trong hành trình này, chúng ta có thể xem xét đến nhân sự của Nokia: Từ khi bắt đầu tái thiết, công ty đã thay đổi 99% nhân viên, 80% hội đồng quản trị và chỉ giữ lại 1 thành viên của ban điều hành. Chủ tịch HĐQT Risto Siilasmaa, người đã tiếp quản Nokia vào tháng 5/2012 tại đỉnh cao của những rắc rối đã miêu tả hành trình như sau: “Nokia đã được loại bỏ hoàn toàn động cơ, cabin và cánh để được lắp ráp lại thành một chiến đấu cơ rất khác biệt.”

Vốn hóa thị trường của Nokia tăng hơn 5 lần trong 5 năm gần đây.

Rajeev Suri, một nhân viên mạng Nokia lâu năm đã đảm nhận vai trò chủ tịch và giám đốc vào giữa năm 2014 để thực hiện kế hoạch chiến lược của một Nokia mới chuyển mình, mô tả nỗ lực cho các nhà phân tích: “Chúng tôi đã đưa ra một chiến lược mới, tạo ra những sản phẩm chiến lược mang tính chuyển tiếp và liên kết với khách hàng, nuôi dưỡng nền văn hóa chung, v.v. tất cả đều nhấn mạnh đến điểm mà khi bạn biết bạn nên đi theo hướng nào, bạn có thể di chuyển nhanh hơn và hiệu quả hơn và chúng tôi đã làm điều đó. ”

Nokia đã chuyển mình từ một công ty sản xuất điện thoại trên bờ vực phá sản để trở thành một trong những công ty hàng đầu thế giới về hạ tầng mạng và công nghệ. Vốn hóa thị trường của Nokia trong tháng 7/2017 đã tăng hơn 500% từ mức thấp nhất tháng 7/2012. Sự chuyển đổi này, từ “xác sống” rồi phát triển mạnh trong mảng kinh doanh cốt lõi, không phải là sự thay đổi cuối cùng của Nokia. Nhưng sự thành công gần đây cho thấy khả năng định vị của công ty để trở lại mạnh mẽ hơn.

Ngày nay, Nokia một lần nữa trở thành niềm tự hào của Phần Lan và là công ty có giá trị nhất tại quốc gia này. Vị thế này sẽ mở ra một chương mới nữa trong chiều dài lịch sử của doanh nghiệp.

Bảo An
* Nguồn: Trí thức trẻ

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X