Thích nghi hay tiêu vong, mãi mãi là mệnh lệnh nghiệt ngã của tự nhiên.
H.G. Wells
Một lược sử thế giới, 1922
[Mục đích giáo dục – Cách mạng công nghiệp thế giới – Mục đích đại học – Môi trường thông minh – Tương lai nào cho chúng ta]
Thứ nhất. Mục đích giáo dục
Để mở đầu, xin được trích dẫn những lời sắc bén của Vị bộ trưởng giáo dục đầu tiên Mori Arinori của Nhật Bản Minh Trị như một Tuyên ngôn cho ngành giáo dục của đất nước Phù Tang trước thềm cuộc Duy Tân vĩ đại 1868 như sau:
“Chiến tranh (sensō) không phải chỉ là đánh nhau bằng súng đạn và giết nhau, mà tất cả mọi người Nhật phải được tham gia ngay từ bây giờ vào cuộc chiến tranh của kỹ năng, kỹ năng của cuộc sống, của công nghiệp, thương mại, tri thức. Và đào tạo thầy giáo phải dựa trên sự chuẩn bị cho cuộc chiến này. Thua cuộc chiến này là sẽ thua cuộc chiến bằng súng đạn. Đất nước chúng ta phải chuyển dịch từ vị trí hạng ba lên vị trí hạng hai, rồi hạng hai lên hạng nhất; và sau cùng lên đến vị trí hàng đầu trong cộng đồng các quốc gia thế giới. Con đường tốt nhất để thực hiện điều này là đặt nền móng cho giáo dục cơ bản”.
Hai phần ba thế kỷ trước đó, Vua Phổ sau khi thất trận trước Napoleon đã hạ quyết tâm: “Chúng ta phải lấy sức mạnh trí tuệ để bù đắp những tổn thất về vật chất.” ĐH Berlin ra đời, sau này là ĐH Humboldt – bà mẹ của các đại học nghiên cứu hiện đại thế giới hôm nay. Park Chung Hee, ngày đầu tiên lên nắm quyền năm 1961, đã tuyên bố dứt khoát: “Hàn Quốc phải tiến hành ngay công nghiệp hóa!” Lý Quang Diệu, ngay từ những năm lập quốc, đã khẳng định Singapore phải tiến “từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất”. Những định hướng đó của các nhà lãnh đạo vĩ đại đã quyết định lên nội dung của nền giáo dục, không phải giáo dục chung chung tạo ra con người chung chung không phương hướng, mà là một nền giáo dục để thực hiện cuộc đi lên công nghiệp hóa bứt phá của dân tộc. Các lãnh đạo lớn, cũng như các nhà đổi mới sáng tạo lớn, đều có một điểm chung: tầm nhìn, vision, và “nghĩ khác” (Think different), như tiêu đề quảng cáo nổi tiếng của Apple.
Thứ hai. Cách mạng công nghiệp thế giới.
Nhìn từ Tây sang Đông: Cuộc cách mạng công nghiệp, khởi đầu từ Anh Quốc, rồi lan sang Pháp, Đức, Mỹ các thế kỷ 18, 19; đến Nhật Bản ở phương Đông thế kỷ 19. Tiếp theo, những thập niên cuối thế kỷ 20, bốn con rồng nhỏ ở châu Á xuất hiện: Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore. Và cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, Trung quốc vươn lên theo con đường công nghiệp hóa của thế giới. Tất cả các quốc gia này đều tiến hành công nghiệp hóa. Công nghiệp hóa, hay cách mạng công nghiệp là mệnh lệnh sống còn của các dân tộc bị tụt hậu. Vì chỉ bằng con đường đó, dân tộc mới lột xác và đổi đời.
Nước Đức đã tiến hành cải cách giáo dục và công nghiệp hóa ngay sau khi thua trận trước Napoleon năm 1806, vì quá lạc hậu. Năm 1870, Đức thắng lại Pháp để “trả mối thù xưa”, vì công nghiệp hóa của Đức khi đó đã bứt phá mạnh mẽ, vượt Anh lẫn Pháp nhiều mặt, có nền giáo dục trung tiểu học, đại học đều tiên tiến nhất theo mô hình cải cách của Wilhelm von Humboldt.
Ở châu Á, Nhật Bản đã đánh thắng đội quân hùng mạnh của nhà Thanh chỉ sau 26 năm tiến hành công nghiệp hóa. Mười năm sau, họ tiến lên đánh bại đại quân Nga hoàng, chiếm trọn ngôi bá chủ ở Viễn đông. Do không cải cách, các vương triều Trung Hoa, và của Nga hoàng lần lượt sụp đổ.
Các thí dụ lịch sử vừa nêu đã cho thấy: Các quốc gia tiến hành công nghiệp hóa đều có quốc phòng hùng mạnh – và đất nước phồn vinh. Đó là những kịch bản đã diễn ra xung quanh cột mốc công nghiệp hóa. Hoặc tiến lên, hoặc có nguy cơ bị đào thải.
Chúng ta đang ở đâu? Đang ở vào thời kỳ bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư. Các công nghệ được gọi là exponential, tức có sức phát triển nhanh như hàm mũ, đang và sẽ định dạng thế giới trong tương lai, đồng thời có sức hủy hoại (disruptive) rất lớn đối với tất cả những cái cũ. Người khổng lồ KODAK sau 100 năm chiếm thế thượng phong trên thị trường đã phải nhận kết cục phá sản năm 2012 trước các công nghệ mới. Các lực bứt phá sẽ đẩy các công ty (tăng trưởng) tuyến tính ra khỏi thị trường. Trong khi đó, nhiều công ty khởi nghiệp trong ga-ra xe ở Thung lũng Silicon phát triển nhanh chóng lên thành những công ty trị giá hàng tỷ đô la. Công ty dịch vụ cho thuê phòng trực tuyến Airbnb, sau sáu năm khởi nghiệp, đã có giá trị trên thị trường chứng khoán $10 tỷ, cao hơn giá trị của Hyatt Hotels Corporation ($8.4 tỷ), mà không phải xây một viên gạch nào! Công ty taxi Uber, sau bốn năm hoạt động, có trị giá lên đến $18 tỷ mà không phải đầu tư một chiếc xe hơi nào. Họ đã sử dụng các công nghệ có tính tăng theo hàm mũ. Cty Cisco ước tính rằng giữa 2013 và 2020, mạng lưới Uber sẽ sinh ra $19 ngàn tỷ đô về giá trị (lợi ròng), lớn hơn GDP của kinh tế Mỹ!
Nếu đem so sánh danh sách Forbes 100 của hai thời kỳ, 1917 và 1987, khoảng cách thời gian 70 năm, người ta sẽ thấy rằng có đến 61 đại gia trong nhóm thứ nhất đã biến mất. Từ 500 công ty trong S&P 500 (Standard & Poor’s 500) của năm 1957, thì chỉ còn 74 công ty tồn tại trong danh sách năm 1997. Đó là sự “phá hủy sáng tạo”. Các gã khổng lồ hôm nay sống trong sự căng thẳng và lo âu, vì không biết lúc nào mình có thể bị loại khỏi thị trường. Không có đế chế nào miễn nhiễm trước cơn sóng “phá hủy sáng tạo” đang dâng lên từ các loại công nghệ hàm mũ. Đổi mới sáng tạo diễn ra bất ngờ, như sự đột biến gen, khó lường trước, nó xuất hiện thình lình như một thiên thạch, và các chú khủng long nào ở gần đó có thể bị tiêu diệt. Họ phải liên tục tự đổi mới sáng tạo từ bên trong, cũng như phải mua ngay các công ty khởi nghiệp mới để bổ sung thêm tri thức, tránh bị đào thải.
Đơn cử một số công nghệ tương lai này: ngành robot, trí tuệ nhân tạo (AI), in 3D, công nghệ nano, và công nghệ sinh học. Các nhà khoa học giải Nobel Hóa học năm 2016 đã chế tạo được những “chiếc xe Mercedes” – cỗ máy phân tử sinh học – mở ra nhiều triển vọng ứng dụng khôn lường, trong đó có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư, khả năng sử dụng nó như transistor cho một máy tính đời mới có bộ nhớ vĩ đại và năng lực xử lý 100 tỷ lần cao hơn máy tính ngày nay!
Hiện nay, 10 công ty công nghệ lớn nhất ở Thung lũng Silicon, từ Apple, Hewlett-Packard, Google, Intel, Cisco Systems, Oracle …đến Facebook, chiếm một doanh số gần $600 tỷ đô la Mỹ! Một vùng đất rộng 4.000 km2, và 2.5 triệu cư dân đã làm ra một doanh thu khủng. So với TP HCM: 2.000 km2, và 10 triệu người, và GDP $44 tỷ đô-la Mỹ. Trong khi đó, Samsung Việt Nam xuất khẩu những năm qua lên tới 20 tỉ đô-la một năm, hoặc hơn, so sánh với doanh thu của cả ba ngành nông nghiệp, thủy sản và gia công may mặc của Việt Nam gộp lại chưa đầy 20 tỷ! Rõ ràng, công nghệ chính là yếu tố quyết định giá trị của sản phẩm và là sức đẩy phản lực của nền kinh tế hiện đại.
Nói thêm một chút về sự phát triển theo hàm mũ bằng công nghệ mới. YouTube được thành lập năm 2005 bởi ba người sáng lập. Chưa đầy hai năm sau, công ty này được Google mua lại với giá $1,65 tỷ. Lúc chuyển nhượng, YouTube chỉ có 65 nhân viên, đa số là kỹ sư có kỹ năng cao. Điều đó có nghĩa rằng giá trị bình quân trên một đầu người của công ty là $25 triệu. Tháng 4, 2012, Facebook mua lại Instagram, công ty khởi nghiệp với ứng dụng chia sẻ hình ảnh và video miễn phí mới thành lập 15 tháng với giá $1 tỷ. Instagram có 13 nhân viên, tức giá trị bình quân trên một đầu người khoảng $77 triệu. Hai năm tiếp theo, Facebook mua tiếp WhatsApp, công ty phát triển ứng dụng nhắn tin di động đa nền tảng với giá $19 tỷ. Với 55 nhân viên, giá trị bình quân của công ty là $345 triệu một đầu người, một con số đáng kinh ngạc.
Hãy cảnh giác! Trong vài thập niên tới, lao động Việt Nam, cũng như lao động của các quốc gia đang phát triển khác, hay của cả các quốc gia công nghiệp, trong cuộc cạnh tranh về giá cả và chất lượng, sẽ phải đối mặt với các đội quân rôbôt ngày càng hùng mạnh và đông đảo ở các quốc gia công nghiệp! Xu hướng tự động hóa, rôbôt hóa trên thế giới là không cưỡng được. Công ty dệt Parkdale Mills ở Gaffney, Nam Cali, chỉ sử dụng 140 công nhân cho một năng lực sản xuất mà năm 1980, nghĩa là 33 năm trước, phải cần đến 2.000 lao động. Hiện nay, một số công ty Mỹ đã bắt đầu chuyển hướng sản xuất về Mỹ, như Dow Chemicals, Caterpillar, GE, Ford; Google tuyên bố cũng rút sản xuất Nexus Q streaming media player về Mỹ, điều gây áp lực lên Apple. Tương tự, chiếc xe tiên tiến nhất Tesla Model S, được sản xuất tại Thung lũng Silicon, một trong những vùng đắt đỏ nhất ở Mỹ. McDonald cũng đang trên đường robot hóa. Trong tương lai không xa, sản xuất của Mỹ có thể không còn nằm ở Trung Quốc nữa, mà sẽ quay về Mỹ. Ngay tại TQ, tập đoàn Đài Loan Foxcom Technology, một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới, mới tuyên bố kế hoạch lắp đặt một triệu rôbôt trong vòng ba năm tới để làm những công việc mà lao động TQ hiện đang làm!
Thứ ba. Mục đích của Đại học.
Vai trò của tri thức và đại học được vị cựu chủ tịch xuất sắc nhất của Đại học Califorina, Clark Kerr, diễn tả như sau:
“Trong mắt của công chúng, các diễn viên trên vũ đài thế giới có thể là các vận động viên và các chính trị gia, tướng lãnh và nhà ngoại giao, nhưng không ai có thể dám làm ngơ các lớp học, các phòng thí nghiệm và thư viện, những thứ vốn ở hậu trường, nhưng ở đó lịch sử thật sự được làm ra.” […]
Tạo ra tri thức mới, đào tạo những người đàn ông và phụ nữ có thể sử dụng tri thức mới… Đó là những nhiệm vụ của Đại học California trong một thời đại khi mà giá trị của tri thức là hiển nhiên hơn bao giờ hết so với trước đây – một thời đại của sự triển khai trí tuệ thần thoại nhất trong lịch sử nhân loại. Đó có thể là một Thời đại vàng đích thực trong đời sống của Đại học California, và có thể trở thành một Thời đại vàng của nhân loại.”
Nhà vật lý hạt Mỹ giải Nobel Steven Weinberg từng minh họa tầm quan trọng to lớn của Đại học nghiên cứu đối với sự phồn vinh của xã hội bằng những lời quyết liệt như sau: “Tôi tin rằng không có các đại học nghiên cứu lớn, chúng ta ở Hoa Kỳ sẽ phải tự nuôi sống bằng cách trồng đậu nành, và giới thiệu Grand Canyon cho du khách từ Đức và Nhật Bản.”
Dòng chảy của tri thức khoa học cơ bản về thế giới tự nhiên thu hoạch được từ thời Khai sáng đã thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp và những đổi mới sáng tạo kỹ thuật, gây ra sự biến đổi kinh tế lớn lao đầu tiên ở phương Tây (Joel Mokyr). Vai trò của đại học thể hiện đặc trưng nhất qua mối quan hệ giữa Đại học Stanford với Thung lũng Silicon, Đại học Harvard và MIT với Tuyến đường 128, Boston. Cụ thể, các cựu sinh viên MIT đã khởi nghiệp hơn 5.000 Cty, trong đó có Intel, Bose, Texas Instruments, và sử dụng hơn một triệu nhân viên, làm ra doanh thu hơn $230 tỷ/năm, cho thấy sức mạnh to lớn của đại học. Jaron Lanier, một chuyên gia Mỹ đẳng cấp về công nghệ thông tin, cho rằng 1.000 “quái kiệt” công nghệ thông tin nếu hợp lại có thể thay đổi cả nền kinh tế thế giới. Việt Nam chắc chỉ cần vài chục.
Đó là lý do chúng ta cần nâng cấp đại học một cách quyết liệt để nâng cao đóng góp của đại học vào sự phồn vinh của xã hội và quốc phòng. Các đại học phải là trung tâm cung cấp tri thức cho nền kinh tế. Không có đại học nghiên cứu, không thể phát triển công nghiệp hóa và khởi nghiệp chất lượng cao. Cần phải gấp rút làm như thế, cần được tư vấn dài hạn, và có chương trình hợp tác với Stanford, Hardvard và MIT có trọng tâm để từng bước tạo nên những đại học đẳng cấp thế giới. Một đảo quốc nhỏ như Singapore cũng đã giành được sự hợp tác của ít nhất mười đại học đẳng cấp thế giới, trong đó có Đại học Graduate School of Business của Chicago, MIT, Đại học y khoa Duke và Đại học Yale. TQ đã và đang làm việc này quyết liệt, thuê chuyên gia Mỹ thiết kế China Ivy League để cạnh tranh với Ivy League Mỹ. Họ mua tri thức một cách ồ ạt chưa từng có, y như Nhật Bản từng làm trước đây.
Thứ tư. Môi trường thông minh.
Muốn phát triển khoa học, công nghệ, cần tạo ra môi trường văn hóa thông minh, truyền cảm hứng và kích thích óc tò mò, sáng tạo, kèm theo một cơ chế đãi ngộ xứng đáng dựa trên năng lực. Không phải ngẫu nhiên mà các phát minh quan trọng nhất về khoa học, công nghệ lại diễn ra ở những quốc gia có nền văn hóa phát triển. Đây là vấn đề văn hóa. Văn hóa này bao gồm nhiều thứ, nhưng tối thiểu không thể thiếu cơ sở hạ tầng văn hóa và tri thức, như các viện bảo tàng khoa học, công nghệ, đài quan sát thiên văn, bảo tàng nghệ thuật thế giới, đại thính phòng giao hưởng, cơ sở hạ tầng tri thức, mạng lưới thư viện, đại thư viện, sách vở báo chí khoa học. Môi trường thông minh sẽ có hệ quả là làm tăng chỉ số thông minh trung bình IQ của con người trong đó (Hiệu ứng Flynn).
Hiện VN chưa có một tạp chí khoa học đại chúng kiểu như Nature, Science hay Scientific American, cũng như các tạp chí chuyên ngành, để giúp đại chúng hóa và kích thích nghiên cứu khoa học. Sách, sách hay, sách thông minh, sách để hiểu thế giới và xây dựng đất nước, là nguồn tri thức vô tận của nhân loại không một xã hội phát triển nào có thể thiếu. Đọc sách không phải chỉ để thưởng ngoạn, mà quan trọng hơn là việc làm của lòng yêu nước để phát triển đất nước và hoàn thiện con người. Đọc sách là thuộc tính của một dân tộc văn hóa có ý thức. Những món hàng nhập khẩu đầu tiên từ phương Tây của Nhật Bản thời Minh Trị là sách. Người Nhật muốn hiểu biết thế giới phương Tây để chấn hưng đất nước họ. Cần có nhiều mảng du lịch xanh để thư giản lành mạnh. Cần phải có thêm tên đường hay trường học đặt theo tên những nhà khoa học vĩ đại của lịch sử, như Newton, Galilei, Einstein, … và tên những nghệ sĩ vĩ đại như Mozart, Beethoven, Bach v.v… Nhưng điều quan trọng hơn tất cả là phải có chính sách đãi ngộ tốt đối với các nhà khoa học.
Cần qui tụ và kết nối các tài năng Việt, và khách mời nước ngoài để tạo ra thời kỳ Phục Hưng trí tuệ cho Việt Nam, như dòng họ Medici của Florence từng qui tụ tài năng để tạo ra Phục Hưng cho châu Âu, được gọi là Hiệu ứng Medici. Cụ thể Thành phố cần có một sân chơi như diễn đàn TED cho Công nghệ, Giải trí, Thiết kế (Technology, Entertainment, Design) của TP New York, nơi mà tất cả tài năng, nổi tiếng cũng như chưa nổi tiếng, các nhà khoa học giải Nobel hay các tỷ phú công nghệ, thường lui tới để trình bày ý tưởng của họ. Bill Gates cho rằng “IQ tập thể của những người tham dự là lớn khủng khiếp”.
Thứ năm. Tương lai nào cho chúng ta?
Trong thế kỷ 20, sự khác biệt vượt trội giữa các hệ thống chính trị là giữa tả và hữu. Nhưng trong thế kỷ 21, ranh giới cơ bản giữa các mô hình chính trị và kinh tế là giữa mở hay đóng. Đổi mới sáng tạo chắc chắn sẽ diễn ra ít hơn tại các môi trường ít cởi mở hơn. Tri thức của thời đại sẽ chảy vào những vùng như Thung lũng Silicon, vì tài năng thế giới cảm nhận được IQ hỗn hợp và những cơ hội phát triển thông thoáng, một văn hóa của sáng tạo, khoan dung, và một phong cách sống thú vị. Những xã hội có ít lực cản nhất đối với các doanh nhân là những xã hội sẽ có mức sống cao nhất.
Thế giới của con cháu chúng ta sẽ rất khác với thế giới của chúng ta hôm nay. Nhiều ngành nghề cũng rất khác, chưa có mặt hôm nay. Đất đai là nguyên liệu của thời đại nông nghiệp. Sắt thép là nguyên liệu của thời đại công nghiệp. Data (Dữ liệu) là nguyên liệu của thời đại thông tin. Thông tin bao gồm tri thức. Kinh tế 2.0 của sự giàu có hôm nay đặc trưng bằng đổi mới, sáng tạo, công nghệ tiến bộ, chứ không chỉ bằng đất đai, lao động và vốn liếng, như kinh tế 1.0 của sự khan hiếm của quá khứ. Con cháu chúng ta vì thế phải được cung cấp đầy đủ những kỹ năng phù hợp, như óc tò mò, sáng tạo, khai phá, óc liên tưởng, óc tưởng tượng, quan sát, đặt câu hỏi, kết nối, tư duy liên ngành, thử nghiệm, dũng cảm chấp nhận, thậm chí yêu cả rủi ro. “Sáng tạo là kết nối các sự vật”, như Steve Jobs nói. Einstein từng luôn kết nối các sự kiện để đi đến những khám phá vĩ đại của ông. Các nhà đổi mới sáng tạo là những người “nghĩ khác”. Giáo dục để sáng tạo, nghĩ khác, cũng như để biết kinh doanh thông minh, làm ra sản phẩm cho xã hội, hơn là để học thuộc lòng. Sáng tạo cũng không phải chỉ dựa trên công nghệ một cách thuần túy, như vậy chưa đủ, mà còn phải kết nối với nhân văn, được Steve Jobs minh họa sống động khi cho ra mắt iPad 2: “Chính trong cái DNA của Apple mà một mình công nghệ thôi không đủ – chính công nghệ được kết hôn với nghệ thuật nhân văn (liberal arts), với các ngành nhân văn (humanities), mới cho chúng ta sản phẩm làm cho tim ta reo lên, và không ở đâu điều đó đúng hơn là ở các thiết bị hậu-PC này.” Vì thế con người cần phải được giáo dục toàn diện. Chỉ có nền giáo dục mang tính nhân văn cao mới đáp ứng sự thách thức mà Thomas Friedman và Michael Mandelbaum tóm tắt như sau: lấy óc tưởng tượng làm chỉ số của sự phát triển, một tính chất mà Einstein từng cho là vô cùng quan trọng trong nghiên cứu khoa học:
Nhìn về phía trước, chúng ta tin chắc rằng thế giới ngày càng được phân chia giữa các quốc gia làm-cho-có-khả-năng-tưởng-tượng cao, cổ vũ và làm cho dân tộc họ có khả năng tưởng tượng và những “thứ đặc biệt” (extras) khác, và các quốc gia-làm-cho-có-khả-năng-tưởng-tượng thấp, ngăn chặn hay thất bại trong việc phát triển các năng lực sáng tạo của dân tộc họ, và phát triển các khả năng làm bật ra những ý tưởng mới, khởi nghiệp những công nghiệp mới, và nuôi dưỡng cái “đặc biệt” của riêng họ.
Trong hướng đó, cựu thủ tướng Goh Chok Tong của Singapore cũng đã tuyên bố: “Đổi mới sáng tạo và tưởng tượng đem lại cho nền kinh tế hoặc một công ty lợi thế cạnh tranh đặc biệt. Ngày nay, phồn vinh được tạo ra bởi những ý tưởng mới.”
Sâu thẳm, lằn ranh giới giữa Việt Nam và các con rồng châu Á không nằm ở nơi nào khác hơn là ở cách mạng công nghiệp, và chỉ ở đó mọi năng lực trí tuệ và tay chân của một dân tộc mới được phát triển vượt bậc. Tư duy công nghiệp hóa là tư duy bứt phá – của mọi bứt phá – với cả ý chí, quyết tâm và khát vọng, trang bị cho cả dân tộc có tầm nhìn và óc tưởng tượng đi lên. Giáo dục để phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa này, chuyển hóa tri thức thành giá trị kinh tế, như người Nhật đã từng làm. Nếu không, giáo dục sẽ mất đi định hướng và ý nghĩa xã hội, và đất nước vẫn sa lầy mãi trong bẫy thu nhập trung bình.
Công nghiệp hóa cũng không thể thành công nếu không có lòng yêu nước nồng nàn của con người muốn thay hiện trạng xã hội. Tạo ra thay đổi mạnh mẽ đòi hỏi “năng lượng cảm xúc” (emotional energy) mạnh mẽ và sự bền bỉ. Đó chính là lòng yêu nước, yêu con người. Lịch sử thế giới đã chứng minh rằng, chính lòng yêu nước là động cơ quan trọng bậc nhất trong mọi cuộc duy tân vĩ đại. Hãy nhìn những tấm gương Đức, Nhật và Hàn quốc!
★
Người Nhật đã làm thế nào để phát triển khoa học trong quá khứ? Họ được những người thầy từ phương Tây nhắc nhở rằng, không nên xem khoa học như trái cây có sẵn để mua được, và các thầy cũng không muốn mình là những người đi bán trái cây, mà phải quan niệm rằng khoa học là cái cây mà thầy và trò phải vun xới mảnh đất theo đúng các tiêu chuẩn để nó ra trái ngọt. Những năm qua, sự đơm hoa kết trái ngày càng hiện rõ hơn bao giờ hết khi hầu như năm nào người Nhật cũng đều có giải Nobel, giống như người Đức đầu thế kỷ 20. Đó là trái mà cây khoa học đã đơm ở tầng cao nhất. Khu vườn khoa học của họ chính là mảnh đất văn hóa không ngừng được vun xới và chăm bón. Không có mảnh đất văn hóa đó, người ta phải chịu tốn kém đi mua trái của khoa học suốt đời. Các tiêu chuẩn chăm sóc mảnh vườn, và của khoa học, là phổ quát – universal. Trật đi, cây không bao giờ có trái.
“Thích nghi hay tiêu vong, mãi mãi là mệnh lệnh nghiệt ngã của tự nhiên”, đó là lời nhắc nhở của một học giả Anh nổi tiếng, H.G. Wells, trong quyển sách Một lược sử thế giới năm 1922 từng được bán ra trên 2 triệu bản. Đó là qui luật của sự sinh tồn. Việt Nam từng vượt qua những thử thách ngoại xâm nghiệt ngã. Tôi tin rằng với tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí mạnh mẽ, với tinh thần cởi mở và con mắt quan sát sắc bén, không ngừng học hỏi thế giới, biết chọn những đổi mới có tính bứt phá, Việt Nam sẽ thành công như những quốc gia khác, trước thách thức vực dậy đất nước để cùng bước vào cao nguyên của các quốc gia công nghiệp hóa phồn vinh và hùng mạnh. Dân tộc Việt Nam phải tiến lên công nghiệp hóa để trường tồn!
Nguyễn Xuân Xanh
Tháng 11, 2016