Chia sẻ từ ông Trần Hoàng – Tân Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam (VMA).
Vừa qua, Hiệp hội Marketing Việt Nam (VMA) đã có một buổi Lễ ký kết hợp tác với các đối tác triển khai các dự án có ý nghĩa đóng góp chiến lược cho ngành Truyền thông Tiếp thị trong thời đại Kỹ thuật số. Đây cũng là sự kiện ra mắt Ban điều hành mới đến với cộng đồng. Chúng tôi đã có một cuộc gặp gỡ ngắn với Ông Trần Hoàng, Tân Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam về bối cảnh Truyền thông Tiếp thị hiện nay và những thách thức trong kỷ nguyên số.
PV: Xin chào ông Trần Hoàng, rất cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ quan điểm về những thách thức mới trong kỷ nguyên số và ngành Tiếp thị Việt Nam đang đối mặt. Ông vui lòng cho biết thêm về tình hình Truyền thông Tiếp thị của các doanh nghiệp nội địa hiện nay, ông có nghĩ các doanh nghiệp nội địa Việt Nam đang có phần yếu thế trong cuộc đua Xây dựng Thương hiệu?
Làm việc và quan sát ngành công nghiệp Truyền thông Tiếp thị trong 20 năm qua, tôi thấy rằng ngành Truyền thông Tiếp thị Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể, các thương hiệu nội địa cũng có những dấu hiệu khởi sắc. Trước đây, các doanh nghiệp nội địa chủ yếu tập trung vào hình thức quảng cáo qua tivi, báo in với các chiến dịch khá cứng nhắc và chưa quan tâm nhiều đến tính tương tác của người tiêu dùng. Những năm gần đây, với tốc độ phát triển vũ bão của nền tảng kỹ thuật số, thị trường đã chứng kiến nhiều chiến dịch Truyền thông Tiếp thị trên môi trường kỹ thuật số với các cách tiếp cận mới lạ, sáng tạo hơn. Sự lan tỏa của Biti’s hay Điện Máy Xanh gần đây đã chứng minh rằng các doanh nghiệp Việt Nam thực sự mong muốn và có khả năng bước chân vào cuộc đua Truyền thông Tiếp thị trong thời đại kỹ thuật số.
Ông Trần Hoàng – Tân Chủ tịch Hiệp Hội Marketing Việt Nam (VMA) trong buổi lễ ký kết dự án Tiếp cận bằng Truyền thông Toàn diện trong thời đại Kỹ thuật số, hợp tác với Dentsu Việt Nam.
PV: Ông cho rằng những trở ngại nào mà ngành Truyền thông Tiếp thị Việt Nam đang phải đối mặt?
Sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng kỹ thuật số như báo mạng, mạng xã hội… đã tạo ra nhiều kênh truyền thông hơn để các thương hiệu có thể tiếp cận được người dùng. Nhưng đây cũng chính là thách thức lớn của ngành Truyền thông Tiếp thị. Khi lượng thông tin mỗi ngày đã trở nên quá tải, người tiêu dùng không còn tiếp nhận thông tin thụ động từ thương hiệu, họ chủ động tìm kiếm và sàng lọc thông tin mà họ thực sự muốn tìm hiểu, làm giảm đi khả năng tiếp cận của thương hiệu và hiệu quả của thông điệp. Chúng ta có thể gọi thách thức này là Rào cản thông tin.
Người tiêu dùng ngày nay tự dựng lên những rào cản thông tin, khiến thương hiệu khó tiếp cận hơn. (Hình ảnh cung cấp bởi Dentsu Việt Nam)
PV: Vậy theo ông thì làm thế nào để các thương hiệu có thể vượt qua được rào cản thông tin này?
Truyền thông Tiếp thị ngày nay không thể chỉ phụ thuộc vào một thông điệp tốt, hay một ý tưởng quảng cáo độc đáo nữa. Muốn vượt qua rào cản thông tin, các chiến dịch cần phải có sự kết hợp toàn diện giữa sự thấu hiểu người dùng, ý tưởng đứng trên quan điểm của người dùng và lộ trình truyền thông thúc đẩy sự tương tác của người dùng, từ đó đưa người dùng vượt qua rào cản thông tin và tìm thấy thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải.
PV: Đây có phải là một vấn đề còn quá mới đối với ngành Truyền thông Tiếp thị?
Đây không phải là vấn đề quá mới. Các nhà Truyền thông Tiếp thị hiện đại đều thấu hiểu rất rõ. Ví dụ Dentsu, một trong những tập đoàn Truyền thông Tiếp thị tiên phong, đã xây dựng mô tình tiếp cận bằng Truyền thông Toàn diện đáp ứng xu thế mới từ năm 2005 và áp dụng thành công cho nhiều khách hàng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Truyền thông Tiếp thị tại Việt Nam chỉ mới khởi sắc trong vài năm trở lại đây, các mô hình truyền thông cũng như các kiến thức chuyên vẫn còn có những hạn chế nhất định, và rất cần được đầu tư phát triển.
Mô hình Truyền thông Toàn diện giúp phá vỡ rào cản thông tin và đưa người tiêu dùng đến gần thương hiệu
PV: Theo ông, chúng ta cần phải đầu tư phát triển như thế nào?
Đây cũng là vấn đề mà Hiệp hội Marketing Việt Nam rất quan tâm. Tôi cho rằng, để có sự phát triển bền vững cho ngành, chúng ta cần xây dựng nền tảng tri thức sâu sắc về Truyền thông Tiếp thị, nhất là Truyền thông Toàn diện đang là mô hình tiếp cận truyền thông phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, VMA đã hợp tác cùng Dentsu Việt Nam, kết nối các tổ chức chuyên gia và các trường đại học để xây dựng cổng thông tin về Truyền thông Toàn diện cung cấp kiến thức chuyên ngành hữu ích, chia sẻ thực tế từ các chuyên gia Tiếp thị; góp phần trang bị cho các nhà Tiếp thị hiện đại những nền tảng để xây dựng một chiến lược truyền thông phù hợp với sự phát triển trong thời đại số.
PV: Rất cảm ơn ông đã dành thời gian và chúc dự án thành công tốt đẹp!
Bạn có thể đọc các thông tin chuyên ngành tại: http://digital.dentsu.com.vn hoặc tại website của Hiệp hội Marketing Việt Nam http://vma.org.vn. |