Lời dẫn nhập: Nguyễn Xuân Xanh
Tôi đã trở thành một sinh viên đầy háo hức của David Christian lần đầu tiên khi theo dõi bài giảng Đại sử của ông trên đĩa DVD. Vì thế tôi rất vui mừng khi thấy sự trình bày mang tính khai sáng của ông về lịch sử thế giới được cô đọng lại trong những tiểu luận này. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ đưa một lượng độc giả lớn đến với nhà khoa học và nhà giáo tài năng này.
Bill Gates
Chúng tôi hy vọng các bạn sẽ thích thú đọc Thế giới một thoáng này, và chúng tôi hy vọng nó sẽ mang đến cho các bạn một cảm nhận nào đó về lịch sử bao la, phức hợp, đôi khi kịch tính, nhưng thường truyền cảm hứng, của quốc gia vĩ đại được gọi là “nhân loại” mà tất cả chúng ta đều là thành viên.
David Christian
Chúng tôi rất vui mừng giới thiệu quyển sách “Đại sử thế giới” của tác giả giáo sư David Christian, phiên bản tiếng Việt, đến rộng rãi quý độc giả, học sinh, thần cô, thức giả, những người quan tâm. Đây là một cái nhìn “chim bay” thu nhỏ lại thế giới của con người tính khoảng 250.000 năm đổ lại, từ thời Hái lượm sang thời Nông nghiệp, đến thời Hiện đại của chúng ta. Với khoảng 150 trang, nó chứa đựng những sự diễn biến quan trọng nhất để hiểu sự tiến hóa của loài Homo sapiens chúng ta – một cách logic.
Cuộc tiến hóa này không hẳn chỉ thuần sinh học của Darwin, mà còn là cuộc tiến hóa của chính con người tự tạo ra, bằng gì?, bằng sáng tạo những công cụ lao động, gọi là công nghệ, để tác động hiệu quả hơn vào môi trường cho sự tồn tại và phát triển. Kỷ nguyên Hái lượm kéo dài 250.00 năm, nhưng kết quả không bằng Kỷ nguyên Nông nghiệp hơn mười ngàn năm trước, lúc lịch sử con người bắt đầu tăng tốc. Rồi kỷ nguyên này cũng không bằng Kỷ nguyên Hiện đại kéo dài khoảng 250 năm mới đây thôi tính từ cuộc cách mạng công nghiệp được đánh dấu vào năm 1750. Cái gì quyết định cấu trúc xã hội? Ở nền tảng, không gì khác hơn là công nghệ, sản phẩm sáng tạo của chính con người. Con người là sản phẩm của chính sự sáng tạo đổi mới của mình. Mỗi sự chuyển đổi kỷ nguyên được đánh dấu bằng sự chuyển đổi công nghệ mang tính cách mạng. Người bạn đồng hành của công nghệ là thương mại. Thương mại đã kết nối các miền xa xôi của các châu lục khác nhau lại thành một mạng lưới toàn cầu, và cũng chính nó kích thích sự phát triển công nghệ, khoa học vượt bậc.
Mặt khác, sự tiến hóa con người không chỉ thuần Darwin bằng sinh học, điều đòi hỏi đến hàng triệu năm. Cái gì giúp cho sự tiến hóa nhảy vọt? Đó chính là ngôn ngữ! Xã hội trở thành xã hội học tập thể dựa trên ngôn ngữ truyền đạt. Kinh nghiệm của thế hệ được truyền lại không cần bằng DNA mà trước tiên bằng chữ viết. Xã hội nào biết học, sẽ tiến bộ nhanh chóng. Ngược lại sẽ trì trệ và có nguy cơ bị diệt vong. Lịch sử đang minh họa hùng hồn bức tranh đó. Stephen Hawking, người khao khát ngôn ngữ tột cùng, đã diễn tả tầm quan trọng của ngôn ngữ một cách ấn tượng sâu sắc như sau:
“Nhiều triệu năm liền, nhân loại chỉ sống như các động vật. Nhưng rồi một điều gì đó đã xảy ra, làm giải phóng sức mạnh của óc tưởng tượng chúng ta. Chúng ta học nói, và học lắng nghe. Ngôn luận – speech – cho phép truyền thông các ý tưởng làm cho con người có khả năng làm việc chung với nhau để tạo ra những điều thần kỳ bất khả. Những thành tựu lớn nhất của nhân loại đã hình thành bằng lời nói, và những thất bại lớn nhất của nó là do không nói… Những khả năng là vô tận. Tất cả những gì chúng ta cần làm là bảo đảm chúng ta tiếp tục nói, nói và nói.
Quyển sách này không phải là một “kho tư liệu” được sao chép sáo mòn, mà được viết trong tinh thần nhân văn cao cả của H. G. Wells một thế kỷ trước:
“Sẽ không thể có hòa bình, không có thịnh vượng chung, nếu không có những ý tưởng chung về lịch sử. Nếu không có những ý tưởng đó để giữ con người lại với nhau trong sự hợp tác hòa hợp, nếu không có gì khác hơn ngoài những truyền thống quốc gia chủ nghĩa, hẹp hòi, ích kỷ và đối lập nhau, các chủng tộc, các dân tộc sẽ bị trôi dạt vào những cuộc xung đột và hủy diệt”.
Wells từng viết quyển sách Lịch sử thế giới đồ sộ năm 1919/20, tức sau Thế chiến I đẫm máu, và đã bán được hơn 2 triệu bản! Einstein đã giới thiệu quyển sách này cho việc giáo dục lịch sử thế giới trong trường học:
Trường học nên sốt sắng nổ lực nhìn lịch sử từ quan điểm của sự tiến bộ, hay từ sự phát triển của nền văn minh loài người, và không sử dụng lịch sử như phương tiện để thể hiện sự mở rộng quyền lực hay sự đạt được những thành tích bằng con đường chiến tranh. Từ quan điểm này, theo tôi tác phẩm Lịch sử thế giới của H.G. Wells là rất xứng đáng cho giáo dục.
…Rằng trong địa lý và lịch sử một sự hiểu biết cảm thông cần được đánh thức đối với tính chất đặc thù của các dân tộc khác nhau, đặc biệt của những dân tộc mà chúng ta quen gọi là ‘sơ khai’.
Thế giới một thoáng này giúp ta hiểu từ đâu chúng ta đến, và chúng ta có thể sẽ đi về những nơi đâu. Nó mô tả những dòng chảy của lịch sử, đôi lúc từ một cội nguồn, đôi lúc diễn ra trên nhiều vùng đất khác nhau một cách độc lập, rồi các lực lượng toàn cầu hóa kết hợp lại thành những tụ điểm văn minh mới, phát triển vượt bật, kích thích mọi thứ sinh hoạt của con người, từ tay chân đến đầu óc, đặt nền tảng cho sự phát triển không thể đảo ngược được, lan tỏa ra những vùng đất còn ít phát triển. Công nghệ luôn luôn có vai trò quyết định trong mọi giai đoạn phát triển. “Nhà nước”, “đế chế”, “nền văn minh” hình thành.
Trong đêm trước của cuộc cách mạng công nghiệp 1750, từ một vùng không mấy phát triển, châu Âu đã kết nối được thế giới lần lược qua các con tàu phiêu lưu trên biển cả của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, rồi đến lược Hà Lan, và Anh Quốc, để trở thành trung tâm mới của văn minh thế giới, và thiết lập toàn cầu hóa. Các quốc gia nhỏ trên đó cạnh tranh nhau triền miên qua những cuộc chiến tranh khốc liệt. Đi tìm nguồn lợi kinh tế từ các vùng đất xa của thế giới là mục tiêu của họ để tồn tại. “Không có gì đáng ngạc nhiên khi một truyền thống của các nhà nước đi ăn cướp, quân phiệt ra đời”.
Hai cột móc đánh dấu sự phát triển có tính chuyển biến loài người và thế giới tự nhiên là cuộc cách mạng nông nghiệp cách đây hơn mười ngàn năm, và cuộc cách mạng công nghiệp khoảng 250 năm. Cuộc cách mạng thứ nhất đánh dấu sự “Gia tốc” (Acceleration) của lịch sử, trong khi cuộc cách mạng thứ hai tạo tiền đề để xã hội “cất cánh” vào năm 1850, kèm theo những tác động lên môi trường cũng cất cánh, rồi tiến lên cái đươc gọi “Gia tốc lớn” (Big Acceleration) diễn ra tại cột mốc 1950 khi loài người, hay một bộ phận quan trọng ở các xã hội công nghiệp, bước vào giai đoạn Xã hội tiêu thụ một cách qui mô. Các khuynh hướng kinh tế – xã hội, và hệ thống trái đất, từ đó đều đồng loạt tăng theo hàm số mủ (exponential, xem trong một bài kế tiếp), có lợi cho con người nhưng có hại cho trái đất và môi trường một cách đột biến.
★Loài người, sau những thành tựu vĩ đại nhất, cuối cùng, đang đứng trước dilemma định mệnh: Quá mạnh mẽ đối với tự nhiên, đến nỗi có thể phá hủy hoàn toàn cái nôi sống duy nhất của loài mình. Nhà sinh vật học Mỹ E.O. Wilson giải thích cái dilemma:
Theo chứng cứ khảo cổ học, chúng ta bị lạc khỏi Tự nhiên từ lúc bắt đầu nền văn minh độ mười ngàn năm trước (cách mạng nông nghiệp). Bước nhảy lượng tử này đã lừa dối chúng ta với một ảo tưởng về tự do thoát khỏi thế giới đã sinh ra chúng ta. Nó nuôi dưỡng niềm tin rằng tinh thần con người có thể nhào nặn thành một cái gì mới để thích nghi với những thay đổi trong môi trường và văn hóa, và như một hệ quả, các thời khóa biểu của lịch sử bị mất đồng bộ. Một sinh vật thông minh hơn (chúng ta) giờ đây có thể nói một cách đúng thật về chúng ta ở điểm này: đó là một ảo giác, một loài mới và rất lạ lùng bước đi lóng ngóng vào vũ trụ chúng ta, một hỗn hợp của cảm xúc thời đồ đá, có nhận thức bản thân của thời Trung cổ, và sở hữu những công nghệ thần diệu. Sự kết hợp này làm cho loài chúng ta không nhạy cảm đối với các lực lượng sẽ có quyết định phần lớn lên sự tồn vong dài hạn của chúng ta.
Thời đại chúng ta đang sống, và từng đã bắt đầu, được tính từ cuộc cách mạng công nghiệp, được nhà hóa học Paul Crutzen gọi là thời đại thế Nhân sinh (The Anthropocene, hay Anthropozän tiếng Đức) bỏ lại phía sau thế Toàn tân (Holacene) mười ngàn năm trước kể từ khi kết thúc kỷ băng hà cuối cùng. Đó là Thời đại (của) con người, “thống trị” bởi con người, được/bị con người định đoạt vận mệnh, theo nghĩa tốt hay xấu nhất. Năm 2000 Crutzen đã mạnh dạn gióng lên tiếng chuông “cảnh tỉnh”. Ông là một trong những người đầu tiên phát hiện lỗ hổng tầng ozon vùng Antarctic do phần lớn các chất khí thải của con người tạo ra N2O (nitrousoxide), CFC (clorofluorocarbonos)…. Ông viết: “Trừ khi có một tai họa toàn cầu – một sao chổi, một chiến tranh thế giới, hay một bịnh dịch lớn – nhân loại sẽ vẫn là lực môi trường chính yếu cho nhiều thiên niên kỷ tới.” Ông được trao giải Nobel cho Hóa học năm 1995 cùng với Mario J. Molina và Frank Sherwood Rowland. Anthropocene là tiếng trống hiện nay muốn đánh thức lương tâm loài người: Hãy tỉnh giấc mà bảo vệ thay vì hủy hoại hành tinh xanh. Những thay đổi do co người gây ra không phải chỉ có tác dụng cho vài thế hệ, mà cho cả nhiều thiên niên kỷ, nếu không muốn nói vĩnh viễn. Thời đại thế Nhân sinh hàm ý, rằng lịch sử của nhân loại là một phần khắng khít của lịch sử hành tinh lớn hơn.
Cho đến thế kỷ 16, 17, con người được xem là một bộ phận của tự nhiên, nhà nông hay thợ thủ công lệ thuộc vào tự nhiên. Nhưng sau đó con người và tự nhiên lần lần tách ra, được thể hiện qua tư duy Dualism của Descartes. Một sự “phân kỳ”, divergence, diễn ra, ngày càng gay gắt. Thế kỷ 21, loài người đang ở điểm sụp đổ – tipping point, có thể “chuyển pha” một cách vĩnh viễn nếu thất bại kềm chế mình một cách khôn ngoan.
★ Trong bài Báo cáo cho Hàn lâm viện của nhà văn Franz Kafka, con khỉ báo cáo về sự trở thành người của nó. Báo cáo bắt đầu bằng lời chào “Quý vị học giả cao quý của Hàn lâm viện”. Nó có thể bắt chước con người, và hãnh diện đã học xong ngay trò phun nước bọt ngay từ đầu, dễ ợt. “Bắt chướt con người là chuyện dễ, việc phun nước miếng tôi đã có thể làm ngay từ đầu. […] Tôi cũng có thể hút ống điếu như một ông lão…”
Nhưng một trong việc khó nhất đối với nó là việc sử dụng chai rượu cho đúng “phong cách”. “Mùi rượu là cái làm cho tôi khổ sở nhất….nhưng sau nhiều tuần tôi có thể khắc phục được.” Chú khỉ kết thúc báo cáo bằng đoạn này: “Ôi những tiến bộ này! Sự xâm nhập của những tia tri thức vào bộ não tỉnh thức! Tôi không chối bỏ: điều đó làm tôi sung sướng. Nhưng tôi cũng thú nhận: tôi không đánh giá nó cao, trước đây như như thế, giờ lại rất ít hơn. Bằng một sự ráng sức, điều đến nay đã không lập lại trên trái đất, tôi đã đạt được sự giáo dục trung bình của một người châu Âu. Điều đó tự nó có lẽ không là gì cả, nhưng rồi là một cái gì, khi nó giúp tôi trốn khỏi nhà giam và tìm được cho tôi lối thoát đặc biệt này, thoát khỏi con người. Có một thành ngữ Đức tuyệt hảo: chạy trốn trong bụi rậm; tôi đã làm điều đó, tôi đã trốn vào bụi rậm. Tôi không có con đường nào khác, luôn luôn giả thiết rằng, không phải tự do là điều lựa chọn.” Chú khỉ cũng nhận xét: Con người thường xuyên thèm khát “Tự do”, “cảm giác vĩ đại của nó đầy đủ nghĩa” được khỉ cảm nhận được và đồng loại của nó có đầy đủ không thiếu, nhưng con người lại “quá thường tự lừa dối nhau” với hai chữ đó.
Báo cáo của con khỉ đã đã hơi khiêu khích các “Vị học giả cao quý”. Bởi vì trong khi họ chờ đợi một sự phát triển tuyến tính từ trạng thái tự nhiên lên trạng thái văn hóa, thông qua sự giải phóng khỏi những trói buộc của tự nhiên thì thay vào đó, họ bị đối mặt trước một tình huống rằng sự phân chia ranh giới rạch ròi giữa Người và Thú, Văn hóa và Tự nhiên, lại bị mờ nhạt đi. Câu chuyện của Kafka vạch ra “lỗ hổng” trong cái “tự nhận thức” của xã hội hiện đại, và làm cho những lằn ranh giới rạch ròi đã thành không còn chắc chắn nữa. Bụi rậm cũng ngày càng còn ít đi để cả người lẫn khỉ có thể chạy trốn vào đó (J. Renn & B. Scherer).
Sự tự nhận thức của con người hiện nay ngày càng bị đặt trước những thử thách ghê gớm. Con người có thể đã “tự lừa dối mình”. Nếu chúng ta thất bại, và một dạng khác của sự sống thông minh lại hình thành trong vài mươi triệu năm tới, họ sẽ tìm thấy một hành tinh với hầu hết các kho báu rỗng ruột, thay vào đó là đầy những loại chất độc và vũ khí giết người. Một nỗ lực thứ hai tạo ra nền văn minh hành tinh sẽ vô cùng khó khăn.
★
Sophocles, một nhà viết bi kịch nổi tiếng của Hy Lạp thế kỷ thứ năm, từng viết trong vỡ Antigone, theo bản dịch của nhà thơ Hölderlin:
Có nhiều thứ ghê gớm. Nhưng không gì
Ghê gớm hơn Con người.
Homo sapiens muốn tồn tại cần có ý thức hành tinh, có tinh thần của một cuộc khai sáng mới. Nó cần ý thức lịch sử về nó, phóng tầm mắt về chân trời tương lai, và nhìn xuống con đường mình đang đi dưới chân để hiểu những trở ngại và tiềm năng. Con người “là cái gì luôn luôn phải khắc phục chính nó” (Nietzsche) thì mới bảo đảm sự sinh tồn bền vững, một sự sinh tồn chỉ có được trong một môi trường bền vững. Wilson vẫn còn lạc quan, cũng như nhiều nhà công nghệ cao ở Thung lũng Silicon, cho rằng “Trái đất, vào thế kỷ hai mươi mốt, có thể biến thành, nếu chúng ta muốn thế, một thiên đường thường trực cho loài người, hay ít nhất là những bước đầu của một thiên đường như thế.”
Xin giới thiệu với các độc giả.
Nguyễn Xuân Xanh
Tháng 10, 2016