Thư ngỏ từ Cộng đồng Xã hội – Hạnh phúc Kiến tạo

Thư ngỏ của ông Indra Abidin

Nguyên Chủ tịch Hiệp Hội Quảng Cáo Quốc Tế (IAA Global)
Chủ tịch, PT Fortune Indonesia
Thành viên Hội đồng Cố Vấn dự án

Thưa các đồng nghiệp và bằng hữu thân mến,

Tôi xin được chúc mừng và bày tỏ sự trân trọng đến với VietnamMarcom trong sáng kiến tổ chức Hội thảo và Triển lãm Tiếp thị cộng đồng.
Đây là một sự kiện đáng nhớ vì chúng ta sẽ cùng bàn luận về một vấn đề được xem là rất quan trong hiện nay: tìm giải pháp cho các nan đề phức tạp đặt ra cho tất cả mọi người. Một trong các giải pháp ấy là sự thay đổi hành vi và phương tiện giúp đỡ thay đổi hành vi chính là Truyền thông tiếp thị.

Truyền thông tiếp thị luôn luôn đặt mục tiêu cho sự thay đổi hành vi đối với đối tượng chọn lọc. Trong tiếp thị thương mại, khách hàng chọn mua sản phẩm và thương hiệu, cũng như sử dụng các dịch vụ đáp ứng nhu cầu cá nhân. Thường phần lớn chọn lựa ấy có vẻ không hợp lý, nhưng mọi quyết định có được từ tiếp thị thương mại đã dẫn đến việc thay đổi đáng kể về phong cách sống của khách hàng trãi qua hàng trăm năm và điều này đã góp phần cho nhân loại trên đường tiến bộ.

Cũng một thể ấy, Tiếp Thị Cộng Đồng đem đến những ý tưởng và giải pháp phù hợp cho khách hàng nhằm đạt đến chất lượng cuộc sống cao hơn. Khách hàng sẽ có được những quyết định hợp lý dựa trên các thông điệp liên quan đến loại thực phẩm cần dùng, trình độ giáo dục cần vươn tới, cách phòng vệ và điều trị các căn bệnh nhẹ cũng như kế hoạch sinh con theo ý muốn.

Hội Thảo và Triển Lãm cũng hướng đến xu thế toàn cầu về truyền thông là một phần của truyền thông tiếp thị – dựa trên sự phát triển của truyền thông đa phương tiện kỹ thuật số, song song với sự phổ cập của truyền thông cộng đồng, tất cả đã làm nên sự thay đổi hoàn toàn trong cách thức mà các tổ chức và chúng ta chọn để giao tiếp và trao đổi cùng nhau.

Chúng ta đều biết các phương tiện truyền thông hiện đại đã giúp đỡ các nhóm người nghèo khó nhất trong cộng đồng được giao lưu với bà con, bạn hữu, tiếp cận thông tin tiện dụng, nghe bản tin tức thời cũng như quyết định công việc nhanh chóng và chọn lựa định hướng cá nhân liên quan đến cuộc sống. Mặt khác, chúng ta cũng thấy truyền thông bị lạm dụng phục vụ cho những ý đồ tệ hại như khiêu dâm , buôn bán trẻ em, hoạt động khủng bố.
Từ đó, cho thấy truyền thông hiện đại cũng như mọi phương tiện khác đều phụ thuộc nơi người tiếp nhận hành xử. Chỉ khi sử dụng khôn ngoan và nghiêm túc phương tiện truyền thông hiện đại thì người ta mới hưởng được lợi ích hướng đến sự tốt lành và vinh quang cho toàn nhân loại.

Tóm lại, chúng ta có phương tiện truyền thông cộng đồng để làm nên sự thay đổi hành vi và chúng ta có các công cụ của công nghệ hiện đại tiên tiến để truyền đạt thông điệp. Trách nhiệm thuộc về chúng ta làm thế nào để tìm ra được giải pháp cho các nan đề thách thức trong kỷ nguyên mới này.

Trân trọng cảm ơn quý vị

Ông Indra Abidin

 

Thư ngỏ của ông Vinit Suraphongchai

Chủ tịch Festival Sáng tạo Châu Á Thái Bình Dương (ADFEST)
Thành viên hội đồng Cố vấn dự án

The Power of One

1. Cuộc đời không có nan đề

Phần lớn chúng ta sống cuộc đời ngày qua ngày chỉ nghĩ đến việc trước mắt và thế giới hạn hẹp chung quanh mình mà thôi: lo cho gia đình, con cái (nếu có), nhà cửa, công việc, tương lai, bạn bè và láng giềng, hàng xóm.

Đôi lúc chúng ta cũng quan tâm đến các sự việc quan trọng như kinh tế chính trị, chứng khoán, lạm phát , xuất khẩu, tôn giáo… cứ như thế đều đặn và không thay đổi môi trường quanh mình, chúng ta thỏa lòng với hạnh phúc cuộc đời minh an bày như vậy.

2. Lý tưởng chung

Nhưng sẽ có đôi lúc cảm giác dễ chịu đó bị lung lạc. Có nhiều điều không ổn định trong tâm trí chúng ta. Có nhiều vấn đề quan trọng phải giải quyết: tội phạm xâm nhập chung quanh ta, đường phố nhơ nhớp, cảnh sát thoái hóa, hệ thống giáo dục tụt hậu, xã hội đầy bất công, chính quyền kém năng lực… Nhiều người cũng thấy như vậy, người ta không hạnh phúc như đáng có, phải hành động theo cách nào đây?

3. Sự bất lực không hy vọng

Bây giờ chúng ta thấy vô vọng bất lực . Chúng ta cần xác định đúng vấn đề. Chúng ta muốn hành động, nhưng một cá nhân thì biết làm sao được. Đây là cảm giác chung của nhiều người.

NĂNG LỰC CỦA MỘT CÁ NHÂN

Các biến động và thay đổi trong xã hội và cộng đồng trong quá khứ thể hiện ở nhiều hình thái. Đôi khi, đó là nhân dân đoàn kết đứng lên như cuộc cách mạng Pháp hay cách mạng Nga. Nhưng đôi khi sự thay đổi được làm nên bởi năng lực của MỘT CÁ NHÂN

Phong trào giành độc lập cho Ấn độ là do MỘT CÁ NHÂN làm nên ngài Mahann Gandhi.
Sự thống nhất quốc gia VN có được nhờ sự lãnh đạo và tâm huyết của một cá nhân, chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự thống nhất Trung Quốc do một người làm nên , Mao Trạch Đông

Năng lực của MỘT CÁ NHÂN thì giới hạn nhưng nếu người ấy có tâm huyết biết lãnh đạo cộng đồng thì năng lực CÁ NHÂN sẽ chuyển đổi thành QUYỀN NĂNG TẬP THỂ

Khi chúng ta thật sự tin vào một điều, chúng ta có năng lực khởi động điều ấy. Không cần phải là biến cố lớn như của Mahann Gandhi hay chủ tịch HCM, nhưng chúng ta vẫn làm được việc: bắt đầu từ nhóm nhỏ là láng giềng, sang vùng lân cận, lan ra cả tỉnh…

Tất cả chỉ cần tầm nhìn vươn xa và tâm huyết cống hiến

Ông Vinit Suraphongchai

Chủ tịch Festival Sáng tạo Châu Á Thái Bình Dương ( Adfest )

 

TIẾP THỊ CỘNG ĐỒNG DƯỚI GÓC NHÌN CỦA PHẬT GIÁO

Thầy Thích Thanh Thắng, Đặc San Văn Hoá Phật Giáo Việt Nam – Chùa Giác Tâm

Làm sao để mọi người đều có thể áp dụng lối sống lành mạnh? Làm sao để xã hội phát triển bền vững, hài hòa? Làm sao để mỗi người được sống hạnh phúc?

Tại sao nhiều người đã biết rằng hút thuốc, uống rượu và sử dụng các chất gây nghiện là có hại cho sức khỏe mà họ vẫn không từ bỏ nó? Tại sao nhiều người biết rằng khí hậu toàn cầu đang biến đổi theo chiều hướng bất lợi đối với trái đất nhưng hàng ngày vẫn có những hành động trực tiếp, gián tiếp làm tổn hại đến môi trường sống?…

Có rất nhiều câu hỏi chung quanh cuộc sống con người được đưa ra bàn luận. Song chưa có dấu hiệu nào cho thấy những câu hỏi này sẽ nhanh chóng chấm dứt. Bởi không ít những thói quen sống tiêu cực đang lấy dần đi hạnh phúc, chất lượng cuộc sống của cá nhân và tạo gánh nặng, áp lực cho cộng đồng. Làm thiện hay làm ác, lối sống tích cực hay tiêu cực cũng do những thói quen được tích tập dần trong cuộc sống thường nhật.

Để khuyến khích lối sống tích cực và hạn chế lối sống tiêu cực, chúng ta cần phải đẩy mạnh tư duy quá trình, xây dựng chiến lược giáo dục, tiếp cận đối tượng và vạch hướng đi cụ thể cho từng vấn đề trong đời sống xã hội.

Trong kinh Kandakara, Trung bộ II, Đức Phật từng nói: “Rối ren thay loài người!”. Đức Phật đã cùng các  đệ tử của mình nhận thức những khó khăn ấy trong thực tế cuộc sống để nỗ lực tiếp cận và triển khai một lối sống lành mạnh, hướng thiện.

Tiếp thị cộng đồng thuộc lĩnh vực tư vấn phát triển, góp phần tạo ra những thay đổi tích cực trong lối sống cộng đồng. Trong khi đó, đạo Phật được vận hành bằng tâm từ bi và hai cỗ xe: “Cỗ xe nhỏ” (Tiểu thừa – tự lợi) và “Cỗ xe lớn” (Đại thừa – lợi tha). Vậy có gì tương quan trong những mục tiêu hướng tới sự hạnh phúc và hoàn thiện lối sống cộng đồng?

Cỗ  xe nhỏ và cá nhân

Môi trường tốt, cộng đồng tốt cùng với sự nỗ lực của bản thân sẽ đưa đến một đời sống lành mạnh, hạnh phúc. Trong kinh An trú tầm, Trung Bộ I, Đức Phật nói đến năm biện pháp để cá nhân thực hiện lối sống tự chủ, có thể khái quát như sau:
– Lấy suy nghĩ tốt đẹp xua đuổi suy nghĩ xấu ác.

– Ngẫm nghĩ  về hậu quả tai hại của suy nghĩ xấu  ác sẽ dẫn tới tội ác và sự trừng phạt.

– Cố  gắng quên suy nghĩ ác đi, không nghĩ tới nó  nữa.

– Ngăn chặn dòng suy nghĩ ác, để nó giảm bớt sức mạnh.

– Dùng ý  chí, nghị lực khống chế suy nghĩ ác, không cho nó phát sinh.

Đạo Phật đến với cộng đồng bằng việc đề cao nhận thức nhân – quả, khuyến khích sự tự chủ trong hành vi cá nhân. Cho dù thuyết giảng trước số đông hàng ngàn người, Đức Phật luôn nhắm đến những vấn đề gần gũi với đời sống thường nhật của cá nhân.

Ngài cho rằng, mỗi người giống như một ngọn đuốc, hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Nếu mỗi người có thể tự thắp sáng ngọn đuốc của chính mình thì nhất định cả cộng đồng này sẽ rực sáng.

Tuy nhiên, trên con đường tự điều chỉnh, sự thành công mang đến cho cá nhân dù có được đánh giá ở mức độ nào, thì cũng như cỗ xe nhỏ, chuyên chở được ít người.

Đứng trước một hiện thực đời sống có nhiều rủi ro, bất ổn, nhiều người thường thắc mắc: tại sao họ chưa nhìn thấy nhiều sự đổi thay ở bình diện rộng của các chính sách? Nói như mong ước của Nguyễn Trãi: “Sinh đời thái bình ai cũng được ở yên. Gặp thuở thánh minh ai cũng được thoả sống”.

Và chắc hẳn, cuộc sống càng có nhiều thắc mắc hơn nữa khi nó chưa diễn ra như những mong muốn tốt đẹp của mọi người. Nhưng thay vì chấp nhận với thái độ an phận, chờ đợi vào sự thay đổi (ở tầm vĩ mô) của chính sách, tại sao mỗi người lại không thể ngay từ bây giờ tự thắp sáng ngôi nhà của chính mình?

Tôi phải làm gì?

Cổ nhân dạy: “Nhất nhân tác phúc thiên nhân hưởng, độc thụ khai hoa vạn thụ hương” (Một người làm phúc thì nghìn người được hưởng, một cây nở hoa thì hàng vạn cây thơm). Việc làm ở đây và ngay bây giờ của cá nhân (tôi) là hãy “làm phúc” (theo điều kiện của mình) và hãy “nở hoa” để làm đẹp cho chung quanh.

Nhưng tôi phải làm gì nếu tôi là một người nghèo, không có cơ hội để tiếp cận các dịch vụ xã hội, thậm chí tôi cũng không biết gì về quyền và nghĩa vụ của tôi trước cộng đồng này?

Thử  hình dung, tôi luôn đặt ra cho mình một số câu hỏi, trong đó có những câu hỏi mà tôi đã tự mình trả lời, hay có sẵn những câu trả lời trong tri thức xã hội mà tôi từng tiếp nhận. Nhưng cũng có những câu trả lời chưa khiến tôi thỏa mãn, vì giữa lý thuyết và thực tiễn thường có khoảng cách khá xa. Vì thế, tôi tiếp tục đặt câu hỏi cho cuộc đời của mình.

– Tại sao tôi tìm đủ mọi cách kiếm sống mà đời sống của tôi vẫn nghèo?

– Làm sao vừa thực hành các nguyên tắc đạo đức tôn giáo, vừa phải sống trong môi trường cạnh tranh để trở nên giàu có?

– Tại sao tôi phải ngủ ở dưới sàn nhà trong khi họ ngủ trên giường nệm êm ấm?

– Tại sao tôi không có thời gian để nghe một bản nhạc du dương, thưởng thức một tách trà, đọc một bài thơ  hay nghe con tôi hát.

– Tại sao thời gian không cho phép tôi được hít thở một cách bình thường?

– Cuộc sống ngày mai của tôi sẽ đi về đâu?

– Không có  đủ tiền tiêu dùng, tôi phải làm gì với một cái răng sâu đang hành hạ tôi?

Cuộc sống của tôi có nhiều hơn những câu hỏi như thế, thậm chí có lúc tôi tự hỏi rằng: “Sống để làm gì?”. Và chính khi tôi đặt câu hỏi ấy, có vô vàn những câu hỏi khác bám riết lấy tôi. Đời tôi đã từng trải qua nhiều những niềm vui và nỗi buồn. Đau khổ của tôi là không có điều kiện tối thiểu để đi học, hạnh phúc của tôi là luôn được mẹ tôi hỏi “cuộc sống của con dạo này thế nào?”.

Tôi hiểu rằng tôi đang sống với những người chung quanh mình. Tôi có tên gọi, có việc làm và (còn) có ý nghĩa với người thân yêu chung quanh… Tôi không sống bên lề xã hội, dù rằng những câu hỏi không dứt vẫn cho tôi một suy nghĩ rằng, cuộc sống ngoài kia có thể không cần đến tôi, một người thiếu trình độ chuyên môn, kém may mắn trong làm ăn và nhiều bất hạnh trong cuộc sống…

Tôi chưa thấy “sản phẩm” nào tốt hơn những điều mà truyền thông xã hội từng tác động vào các giác quan của tôi, rằng bạn hãy đến với chúng tôi bằng niềm tin và chắc chắn cuộc đời bạn sẽ thay đổi. Nhưng thường thì sự bất bình đẳng trong cơ hội đã làm cho nhiều chiến dịch cộng đồng trở thành những lời hứa suông, nhạt nhẽo. Khó quá phải không ạ? Bởi rõ ràng, sự chênh lệch về của cải, trình độ và cơ hội thăng tiến đã tạo thêm hố sâu ngăn cách giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Tôi nghĩ tôi là một người trong sạch và lương thiện. Nhưng ra đường với bộ dạng nghèo khó của tôi, khi tiếp xúc với nhiều người, tôi thấy họ có cái nhìn cảnh giác và thương hại. Tôi nghĩ tôi là một kẻ khốn nạn. Suy nghĩ ấy sẽ ngày càng khiến tôi tự tách mình ra khỏi đời sống cộng đồng, và thật khó trách khi người ta xem tôi là ung nhọt, là mầm độc.

Đôi lúc tôi tìm quên trong các thú vui giả tạo của nhân gian, khi tỉnh cuộc, tôi vẫn là tôi của giờ phút trước, và đối diện với tôi vẫn là câu hỏi: “Tôi phải làm gì?”

Nếu ở điều kiện các cá nhân trong xã hội không thể trả lời cho chính câu hỏi liên quan trực tiếp đến cuộc đời của họ, có phải họ trở nên quá thừa thãi trong xã hội, có phải họ không còn cơ hội để chuyển đổi, thậm chí họ không còn là đối tượng cần phải nhận được sự quan tâm lớn hơn của cộng đồng?

Có những người mà cuộc sống của họ trở nên bế  tắc, không còn lối thoát. Có những quán tính xã  hội gây ra nhiều khó khăn cho các định hướng thay đổi hành vi cá nhân. Có nhiều những nỗi khổ đau và bất hạnh của con người bị chi phối bởi các điều kiện tự nhiên và xã hội.

Đức Phật từng khái quát về tám nỗi khổ: sinh ra, già lão, bệnh tật, chết đi, mong cầu mà không được như ý, yêu thương nhau mà phải xa lìa, ghét nhau mà cứ phải gặp gỡ, những vấn đề của thân thể và tâm hồn không thể điều hoà được.

Từ cách tiếp cận nỗi khổ, Đức Phật đưa ra một tình huống: Nếu ông bị một mũi tên độc bắn trúng người, ông phải làm gì? Nếu ông không tìm cách nhổ mũi tên độc ấy ra và chữa trị vết thương, mà cứ thắc mắc mũi tên đó từ đâu bắn tới, nó được làm bằng chất liệu gì, ai oán thù với tôi mà bắn mũi tên ấy, thì ông sẽ chết trước khi nhận được câu trả lời.

Tôi không tiếp tục đến với những câu hỏi luẩn quẩn trong cuộc sống của tôi nữa. Tôi phải nhanh chóng tìm cách chữa vết thương đang làm độc cơ thể mình. Nếu tôi đang là một con nghiện, tôi hãy dừng cơn nghiện bằng năm biện pháp nói trên để có một cuộc sống tự chủ.

Tôi không thể cứ tiếp tục mộng mị về những cơ may có thể khiến cho tôi kiếm được bộn tiền mà không chịu làm việc. Tôi cần ngừng suy nghĩ thiếu thực tế đó lại, trong điều kiện hoàn cảnh của tôi, tôi phải bắt đầu lại cuộc sống của mình bằng những công việc trước mắt có thể tự nuôi sống cho bản thân tôi.

Nếu công việc đó chưa đủ để tự nuôi sống bản thân tôi thì tôi vẫn cứ nỗ lực làm việc, vì tôi hiểu rằng, dẫu sao cũng đã giảm một phần gánh nặng cho xã hội.

Nhưng tôi phải dừng những lối sống tiêu cực của tôi bằng cách nào, khi tự tôi đã đánh mất khả năng tự chủ trước những rủi ro, biến động (cả chủ quan lẫn khách quan) của cuộc sống? Tôi phải làm đẹp cuộc sống của tôi như thế nào khi không ai nhìn ra dù chỉ một góc nhỏ cái đẹp còn tiềm ẩn trong tôi?

Tôi cần một “Người Thầy” chỉ đường.

Cỗ  xe lớn và cộng đồng

Cỗ xe lớn chính là những cỗ xe nhỏ có tư  duy và việc làm lớn, nhận thức được giá  trị tương quan, tìm cách vượt ra khỏi cái nhìn  “tự lợi”, tiến đến những việc làm tạo ra ích lợi cho cộng đồng. Đạo Phật gọi đó là  “lợi tha” (làm lợi cho tha nhân).

Khi tôi tự thắp sáng ngọn đèn của chính mình, tôi hạnh phúc với nguồn ánh sáng ấy trong đêm tối. Ngọn đuốc là sở hữu của cá nhân tôi, nhưng tính sáng soi của ngọn đuốc luôn có tác dụng lớn hơn sự mong đợi của tôi.

Không phải vấn đề thế giới bắt đầu có một bước chuyển mình nhảy vọt khi khám phá ra lửa, cách thắp lửa, dùng lửa và giữ lửa, mà quan trọng ở đây là vấn đề nhận thức về lửa như ngọn đuốc có công năng soi sáng. Nếu có người lạ đến xin lửa, có thể tôi sẽ ngần ngại và do dự nghĩ rằng lửa là của riêng tôi, tại sao tôi phải cho người lạ đó?

Thắc mắc và do dự đó có thể làm mất đi một cơ hội thắp sáng nhiều hơn cho xã hội. Một xã hội tối đen vì không có nhiều người quan tâm đến việc triển khai nguồn “vốn xã hội” sẵn đủ trong mỗi con người.

Tiếp thị  xã hội chắc chắn không nằm ngoài công việc triển khai sự tự thắp sáng của cộng đồng.

Trong kinh Từ bi (Mettà Sutta), Đức Phật khuyên rằng: “Tâm từ cần được trải khắp đồng đều cho mọi chúng sinh, phải bao trùm vạn vật, phải sâu rộng và đậm đà như tình thương của người mẹ hiền đối với người con duy nhất, chăm nom bảo bọc con, dầu nguy hiểm đến tính mạng cũng vui lòng”.

Lời dạy này có thể quá tầm thực hành của chúng ta, nhất là trong điệu kiện sống mà sự cạnh tranh đang ngày càng trở nên khốc liệt. Song trở về với tính sáng soi của ngọn lửa để nhận thức, chúng ta thấy mình đang sở hữu một ngọn lửa mà dù có muôn nghìn người đến xin, ngọn lửa của chúng ta cũng không suy giảm gì, trong khi ánh sáng lại được lan tỏa đến tận các thôn cùng ngõ hẻm.

Đó chính là của báu, là “vốn xã hội” có sẵn trong mỗi người mà vua Trần Nhân Tông từng khuyên chúng ta sử dụng, đừng nhọc mệt tìm kiếm ở bên ngoài một cách vô ích.

Cỗ xe lớn của nhận thức là cỗ xe có thể  chia đều niềm vui cho cộng đồng, để mọi người đều có điều kiện được thỏa sống. Và trong sự tương quan của niềm vui ấy, dưới góc nhìn nhân – quả, một khi gánh nặng đến, cả cộng đồng sẽ chung vai gánh vác một cách tự nguyện như nước hòa với sữa.

Ở ý nghĩa nhân – quả này, đạo Phật khuyến cáo một lối sống lợi mình, lợi người và ích lợi cho cả hai. Lợi mình hại người, lợi người hại mình đều là những lối sống rơi vào thái cực, đem đến sự bất an, không bền vững.

Thử  đưa ra một hình ảnh, chúng ta là những người tự  biết làm đẹp, tự tạo ra lợi ích và có một thế giới riêng được minh định bằng khái niệm “đẳng cấp”. Nhưng ngôi nhà của chúng ta có đẹp không khi hiện diện chung quanh là những bãi rác?

Trong suy nghĩ tự lợi, chúng ta không có trách nhiệm phải bỏ tiền của, công sức ra để dọn bãi rác ấy, bên cạnh đó, để ngăn sự tác động gây hại của bãi rác, chúng ta còn tìm đủ mọi cách rào giậu, tạo ra tiện nghi, hương thơm…

Ai có “đẳng cấp” như chúng ta cũng thường có suy nghĩ và cách làm tương tự. Nhưng chúng ta sẽ bất lực khi xã hội ngày càng xuất hiện nhiều bãi rác và nó cứ ngày một đầy lên trước sự thờ ơ của cộng đồng. Một bãi rác nhỏ không dọn, đến khi bãi rác lớn quá tầm kiểm soát, thì sẽ mất rất nhiều công sức, tiền của để dọn dẹp nó. Mất vốn mà không ai được lời.

Đó là vòng luẩn quẩn mà tư duy tương quan nhân – quả vẫn chưa được nhận thức ở tầm vĩ mô. Đó là thái độ sống “bóc ngắn cắn dài” đối với môi trường tự nhiên và xã hội.

Đạo Phật cho rằng “Bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Bồ tát chỉ nhìn một đốm lửa nhỏ mà thấy ra sự nguy hiểm, bởi nó có thể tiêu huỷ cả một khu rừng lớn. Còn chúng sinh, đợi đến khi bệnh nặng mới đi chữa trị, lửa cháy mới lo chữa lửa, nhưng dù có chữa được thì thiệt hại cũng sẽ rất lớn. Trong kinh Ánh sáng hoàng kim, Đức Phật nói: “Nhận thức gốc bệnh rồi, tuỳ bệnh mà cho thuốc. Nếu bệnh trạng khác đi, cũng chữa cái gốc trước”.

Chúng ta phải làm gì?

Bên cạnh nhà nước, các tổ chức đoàn thể, tôn giáo, ngày càng xuất hiện thêm các tổ chức cộng đồng tạo ra những ảnh hưởng xã hội rộng rãi. Đó là  niềm tin mới của công chúng. Thật khó có thể độc quyền trong việc gây ảnh hưởng xã hội. Bởi thái độ của công chúng, xu hướng xã hội là đối tượng quan tâm của những người hoạch định chính sách. Nhưng chúng ta đã sẵn sàng để bắt đầu xây dựng kế hoạch, thiết định giá trị và niềm tin để tiếp cận đối tượng và triển khai các dự án thiết thực, cụ thể chưa?

Mục tiêu ngắn và dài hạn của chúng ta chính là thay đổi hành vi cá nhân, thay đổi lối sống của cộng đồng, tạo ra các giá trị mới. Và khi đối tượng quan tâm là túi tiền, cái đó dẫn đến những cách thức tạo ra của cải. Khi đối tượng quan tâm là giá trị tinh thần, cái đó dẫn đến những việc làm nhằm hoàn thiện đời sống tâm hồn, hướng thiện.

Đó là những bậc thang giá trị mà mỗi cá nhân và tổ chức hướng tới. Xã hội hài hòa là xã hội biết khuyến khích và tạo ra sự cân bằng (trên căn bản của nhận thức tương quan) giữa các giá trị.

Không có một nguyên nhân nào được tạo ra từ hôm nay lại không liên quan đến sự tồn tại của cá nhân và cộng đồng trong tương lai. Càng phát triển, thế giới càng như nhỏ lại, và người dân ở các quốc gia đã hiểu rằng họ đang sống chung trong một không gian “địa lý cộng đồng”.

Truyền thông trên toàn thế giới đang không ngừng loại bỏ dần những rào cản, khoảng cách về ngôn ngữ, tư tưởng, chủng tộc, để con người xích lại gần nhau trước những khủng hoảng chung. Quá khứ được nối kết với hiện tại và hiện tại trở thành động lực cho tương lai.

Bạn giàu hay nghèo, thuộc về một cộng đồng dân tộc, có  niềm tin tôn giáo hay không, về cơ bản, bạn cũng như mọi người khác: đều mong muốn hạnh phúc và không muốn đau khổ. Và có lúc, mỗi người chúng ta phải xứ lý vấn đề cá nhân của riêng mình như một mối quan tâm chung của cộng đồng. Nhưng rào cản của ý thức hệ là vấn đề đã từng và sẽ là những ngăn trở tiêu cực đến những quan tâm chung.

Trong bối cảnh chúng ta đều phụ thuộc vào nhau, việc cân nhắc lợi ích giữa cá nhân và cộng đồng sẽ tránh được những rủi ro và xung đột xã hội. “Vốn xã hội” sẽ ngày càng sinh sôi, nảy nở nếu thiết lập được một cơ chế đảm bảo cho “niềm tin xã hội” tồn tại. Rất khó để mọi người đầu tư vào lĩnh vực mà sự bất tín cùng yếu tố rủi ro luôn luôn cao.

Ở đây, chính sách đóng vai trò quan trọng. Thiếu sự hợp tác trong các mối liên hệ xã hội đã làm cho những chiến dịch cộng đồng nặng nề tính hình thức, phong trào, thậm chí làm trở ngại cho tính trung thực ban đầu của một dự án xã hội.

Lúc đó, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên nghèo nàn hơn đời sống của một bầy ong, vì bầy ong đã lao động một cách trung thực bằng “trách nhiệm xã hội” rất cao, dù xã hội của chúng không có pháp luật, trường học, tôn giáo hay các trung tâm giáo dục đạo đức lối sống cộng đồng.

Chừng nào mối quan hệ “riêng – chung”, tư duy tương quan lợi ích chưa được rút ngắn thì xã hội còn tiếp tục diễn ra tình trạng: “kết án”  là độc quyền của chúng ta, còn giáo dục (dở hay) thuộc về riêng họ. Rõ ràng việc khuyến khích sự tự thắp sáng, đánh thức trách nhiệm xã hội, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn xã hội là điều kiện để nâng cao trình độ phát triển và hạnh phúc quốc gia.

Cũng trong kinh Ánh sáng hoàng kim, Đức Phật khuyến cáo: “Quốc dân tạo ác nghiệp, quốc vương không cấm đoán, thế là phi chánh pháp, không đúng cách trị đuổi. Thấy ác mà không chặn, phi pháp tự tưới lớn, thế là trong vương quốc, gian trá ngày càng nhiều. Quốc vương thấy quốc dân, làm ác mà không ngăn, nên quốc chính thương tổn, dối trá lan khắp nước… Nhà ở với đồ dùng, tài sản đều tan hoang, nịnh và láo đa dạng, chiếm đoạt hại lẫn nhau…”.

Trong kinh Nhất thiết lậu hoặc, Trường Bộ 1, Đức Phật khuyên chúng ta hãy xử sự như những con ong hút mật hoa mà không làm tổn hại đến hương sắc của hoa, còn ở kinh Ánh sáng hoàng kim, Ngài nói: “Đừng đem điều phi pháp mà quản trị quốc gia”. Đó chính là cách thể hiện sự tử tế và lòng từ bi. Của cải vật chất là một phương tiện tất yếu cho những mục đích cao hơn trong cuộc sống hạnh phúc của con người. Song đạo Phật chỉ xem giá trị vật chất như một giai đoạn trong quá trình tìm kiếm hạnh phúc.

Thực tế, có không ít người từng tách mình khỏi đời sống tinh thần để theo đuổi những đổi thay xã hội theo chiều hướng vật chất. Và thực tế cũng đã chỉ ra những nguyên nhân gốc mà nền sản xuất, tiêu thụ đang tạo nên cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu.

Sự nhấn mạnh quá mức trong khi theo đuổi các giá trị  vật chất, có thể khiến bạn nghĩ việc trải rộng lòng từ là một điều quá lý  tưởng. Nhưng để nuôi dưỡng các nhu cầu tinh thần cơ bản nhất của con người như tình yêu thương, lòng tốt, sự hợp tác, chia sẻ và chăm sóc cuộc sống, việc thực hành lòng từ bi sẽ giúp chúng ta tiến gần hơn đến hạnh phúc.

Ngay bây giờ, bạn hãy chọn cho mình một cỗ xe, dù là “cỗ xe nhỏ”. Và trong đêm tối, bạn hãy thắp ngọn đèn của mình lên, chắc chắn bạn sẽ hạnh phúc nếu ngọn lửa của bạn đang là nguồn cảm xúc và có ý nghĩa đối với người chung quanh.

Có thể  không ít người trong xã hội còn chưa tiếp cận hết những nội dung mới mẻ đang được thực hiện trong lĩnh vực tiếp thị cộng đồng đa truyền thông, đa phương tiện. Nhưng tư duy phát triển và quá trình điều chỉnh lối sống của cộng đồng có lẽ nào lại không xuất phát từ những quan tâm chung đến hạnh phúc mọi mặt của cuộc sống con người.

Vì thế việc tìm hiểu lý do tại sao các đối tượng xã hội đã làm những điều họ đang làm (tự giác hay tự phát), cũng như tiếp cận mục tiêu từ các nhu cầu cụ thể của cộng đồng, tạo lập sự hài hòa và cân bằng giữa các giá trị, có thể sẽ giúp chúng ta cải thiện đáng kể cuộc sống theo chiều hướng tích cực.

Dù tôi theo hay không theo tôn giáo, khi tôi khuyến khích ai đó làm một việc ích lợi, tôi hiểu tôi đang làm công việc của một người tiếp thị cộng đồng. Và  “Người Thầy” chỉ đường cho cuộc sống của tôi chắc chắn phải là người có khả năng tự thắp sáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự tự thắp sáng.
Bài trình bày tài Hội thảo và  Triển lãm các Giải pháp Tiếp thị  cộng đồng 2010, do VietnamMarcom và  TVKHTH Tp.HCM tổ chức từ  ngày 26 đến 28 tháng 3 năm 2010  (phattuvietnam.net) – www.tiepthicongdong.vn 

Thư ngỏ của Ông Birger Linke
Giám đốc sáng tạo, CSR.Org.vn
Giám Đốc Sáng Tạo cao cấp (JWT, LeoBurnette, Saachi&Saachi )

Kính thưa quý vị đồng nghiệp, các Nhà tiếp thị, Sáng tạo,
và những Trái tim giàu lòng nhân ái.

Từ chiến lược thương hiệu đến giải pháp cuối, luôn có những giải pháp sáng tạo được thực thi một cách toàn diện, trong mọi khía cạnh của truyền thông, kỹ thuật số, tiếp thị trực tuyến, thiết kế, trong sự kiện hoặc kích hoạt thương hiệu…và thật tuyệt vời sao nếu những giải pháp, ý tưởng đó có thể giúp cho thế giới của chúng ta đang sống ngày một tốt đẹp hơn.

Tiếp thị cộng đồng không chỉ là cách chúng ta đóng góp lại cho cộng đồng, mà nghiên cứu cho thấy gần 20% giá trị tài sản của các công ty được tạo dựng từ các nguồn tài trợ cho cộng đồng và các hoạt động có liên quan.

Điều quan trong là các tổ chức doanh nghiệp phải thực sự cam kết với dự án của mình. Có ai tin rằng Mcdonalds quan tâm đến sức khỏe của chúng ta là vì trong thực đơn có đặt thêm một trái táo ? Hay là Checron nói quan tâm đến môi trường trong khi sản xuất 2.7 triệu thùng dầu mỗi ngày không ?

Người tiêu dùng không còn ngây thơ nữa. Mọi việc diễn ra ngay lập tức sẽ được thông tin, được chia sẻ trên Facebook, Youtube, Twitter. Thế giới đã trở nên minh bạch hơn và hiểu biết hơn.

Vì vậy, đó cũng là cơ hội mở cho các công ty tham gia vào các hoạt động cộng đồng, nhưng điều quan trọng là các thương hiệu sẽ phải giữ vững niềm tin, sự cam kết nhất quán của mình trong hành trình này và các giải pháp sáng tạo cũng phải thể hiện được tinh thần trên.

Trong khi tiếp thị xã hội ở Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn phát triển, và chúng ta chưa thấy nhiều các tổ chức sở hữu các chương trình mang dấu ấn của riêng của họ, mặt dầu vậy nhiều doanh nghiệp đã và đang nỗ lực trong việc thực hiện các dự án kết nối cồng đồng ngày một hiệu quả, cam kết hơn.

Nhiều thương hiệu đã xây dựng thành công các chương trình, dự án cộng đồng như “Cuộc đua xe Cyclo đạp” gây quỹ cho trẻ em nghèo. Và thậm chí còn đạt nhiều giải thưởng quốc tế như” chiến dịch Mũ Bảo Hiểm” của Ogilvy Vietnam, hay “Trẻ em mù màu” và “Những cuộc khuyên góp tích cực ” của Unicef do TBWA triển khai.

Trong niềm tin đó, việc thu hút các nguồn lực của chuyên gia, doanh nghiệp, công dân cho các giải pháp tiếp thị cộng đồng cần được khuyến khích và có tiếng nói mạnh mẽ hơn, để mọi người chúng ta có niềm tin rằng không điều gì là không thể không làm được, và giải pháp cổng thông tin Tiếp Thị Cộng Đồng đã được thiết lập. Tôi hy vọng với sự hỗ trợ của bạn, bằng cách chia sẻ công việc, những câu chuyện và dự án sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện và thực hiện chương trình tiếp thị xã hội ở Việt Nam.

Tôi mong và hy vọng bạn sẽ tìm được niềm đam mê của mình trong hành trình đến với cộng đồng.

Trân trọng,
Birger Linke
Giám đốc sáng tạo, CSR.Org.vn
Giám Đốc Sáng Tạo cao cấp ( JWT, LeoBurnette, Saachi&Saachi )

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X