EuroCham nhìn nhận thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh năm 2017 và dòng vốn sẽ đến từ nhà đầu tư ngoại…
Tổng giá trị các thương vụ M&A trong 7 tháng năm 2016 tại Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD.
Năm 2015, có 341 thương vụ M&A với tổng giá trị đạt 5,2 tỷ USD. So với năm 2014, số thương vụ của năm 2015 đã tăng 23,1% và những thương vụ có sự tham gia cả các nhà đầu tư nước ngoài chiếm 46% tổng số thương vụ M&A của năm.
Năm 2016, tổng giá trị các thương vụ M&A trong 7 tháng tại Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2015.
EuroCham nhận định con số này sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2017 và có thể bùng nổ trong năm 2018 vì đó là thời điểm các nhà đầu tư nước ngoài tìm cách vào Việt Nam để có thể tận dụng được toàn bộ những lợi ích mà các hiệp định thương mại tự do sắp có hiệu lực mang lại trong những năm tới.
Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đánh giá, Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014 là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của khung pháp lý dành cho hoạt động M&A ở Việt Nam. Bên cạnh đó, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng ban đầu bị giới hạn ở mức 49%, nhưng hiện nay, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, tỷ lệ này đã lên đến 100%.
“Đây là tin vui cho các nhà đầu tư có ý định mua cổ phần trong các công ty đại chúng ở Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp sẽ theo dõi sát sao tác động mà thay đổi pháp lý quan trọng này mang lại khi được áp dụng thực tế”, EuroCham cho biết.
Về phía EU, nhìn chung các doanh nghiệp EU coi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho hoạt động đầu tư FDI. Điều này là do lộ trình mở cửa dần và hầu hết với các ngành dịch vụ theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam bắt đầu được tiến hành từ năm 2007 và đã hoàn tất vào năm 2015.
Tuy nhiên, EuroCham cũng chỉ ra các rào cản đối với việc thực hiện M&A tại Việt Nam. Theo đó, EuroCham cho rằng việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư có động thái bổ sung thêm 12 ngành nghề mới vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện gây lo ngại và bất an trong cộng đồng đầu tư nước ngoài.
“Việt Nam sẽ có lợi rất nhiều từ việc giảm tối thiểu số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và kiểm soát chặt chẽ việc bổ sung bất kỳ ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mới nào để có thể củng cố hình ảnh Việt Nam là điểm đến đầu tư nước ngoài hấp dẫn”, báo cáo của EuroCham nhìn nhận.
Thứ hai, thủ tục cấp phép còn rườm rà không cần thiết và vấn đề chấp thuận giao dịch M&A cũng là rào cản đang gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong nhiều trường hợp doanh nghiệp tư nhân cần phải xin Sở Kế hoạch và Đầu tư có thẩm quyền “chấp thuận giao dịch M&A” để làm điều kiện tiên quyết tiến hành bất kỳ giao dịch M&A nào với nhà đầu tư nước ngoài.
Đây là quy định bất thường so với các nước trên thế giới bởi giao dịch M&A chỉ cần đăng ký thay vì phải chấp thuận trước với các cơ quan hữu quan.
Để thúc đẩy tăng trưởng M&A tại Việt Nam, EuroCham kiến nghị cần giảm số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định những giới hạn rõ ràng và khắt khe về việc bổ sung những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Đồng thời, cần bỏ quy định nhà đầu tư nước ngoài phải xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới được phép thành lập một pháp nhân tại Việt Nam. Bỏ quy định nhà đầu tư nước ngoài phải xin “chấp nhuận giao dịch M&A” trước khi tiến hành các giao dịch M&A với các doanh nghiệp tư nhân…