Ông Ninh Gia Hạnh hiện là CEO của nhiều công ty và áp dụng công nghệ thành trong quản lý doanh nghiệp.
Thời gian gần đây, khái niệm “Cách mạng Công nghiệp 4.0” hay “Kỷ nguyên 4.0” được nhắc đến nhiều trên truyền thông cũng như mạng xã hội và cùng với đó là những hứa hẹn về sự “đổi đời” của các doanh nghiệp Việt Nam nếu như đón được làn sóng này.
Xung quanh câu chuyện này, TheLEADER đã có cuộc phỏng vấn với ông Ninh Gia Hạnh – người hiện đang là CEO của một loạt các doanh nghiệp như nội thất EKE, Công ty công nghệ MyXteam, Trí Tuệ Việt hay quản lý đầu tư khách sạn Hoa Bảo.
Ông đánh giá thế nào về sự sẵn sàng của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0?
Ông Ninh Gia Hạnh: Khi tiếp cận công nghệ 4.0, chúng ta vẫn bị một rào cản về suy nghĩ và luôn thấy cái mới thì khó áp dụng. “Cách mạng công nghệ 4.0”, tôi muốn nhấn mạnh vào từ “cách mạng” – nghĩa là sự thay đổi phải thật sự mạnh mẽ, thật sự muốn thay đổi từ trong tâm trí.
Cái quan trọng ở đây là sự thay đổi từ bản thân của người chủ doanh nghiệp khi họ có dám thay đổi, dám vứt bỏ cái đã tiếp nhận trước đây và đón nhận những cái mới hay không. Muốn có những gì chưa có thì phải làm những gì chưa từng làm.
Công nghệ trên thế giới rất nhiều, đặc biệt từ các nền kinh tế lớn nhưng cốt lõi là doanh nghiệp phải dám mạnh dạn thay đổi.
Tôi từng tham gia rất nhiều hội thảo, rất nhiều người cảm thấy rất hào hứng và cảm thấy nhận được những giá trị mới. Thế nhưng đến khi về đến doanh nghiệp thì họ lại không thay đổi được gì.
Vậy theo ông, các doanh nghiệp nên bắt đầu từ đâu?
Ông Ninh Gia Hạnh: Theo tôi các doanh nghiệp nên tiến hành từng bước một, cẩn thận và từ từ. Chúng ta không thể thay đổi hoàn toàn chỉ trong một lúc được. Bạn muốn có big data, bạn phải có small data.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không thể tạo ra kết quả ngay lập tức mà chúng ta phải thay đổi hàng ngày, từng chút một.
Ngoài ra, theo tôi, doanh nghiệp cần có một đội ngũ chuyên gia hướng dẫn để họ không còn cảm thấy chi quá nhiều tiền mà chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Thưa ông, kỷ nguyên 4.0 đặt ra cho doanh nghiệp yêu cầu như thế nào về trách nhiệm xã hội và nó khác gì so với thời điểm trước đây?
Ông Ninh Gia Hạnh: Thế giới bây giờ là thế giới của công nghệ thông tin. Một chuyện đơn giản và rất nhỏ thôi nhưng cả xã hội đều có thể biết. Vì vậy làm ăn trong thời đại công nghệ số, một doanh nghiệp càng lớn, càng hùng mạnh, càng phát triển thì trách nhiệm xã hội sẽ phải tương đương.
Trong thời đại công nghệ 4.0 và nền kinh tế kết nối, những vấn đề không rõ ràng, không đàng hoàng minh bạch trong vấn đề trách nhiệm hay gian dối trong kinh doanh có thể dẫn tới việc phá sản ngay lập tức.
Ngược lại, với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội thì họ hoàn toàn có thể phát triển bền vững.
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý doanh nghiệp của mình và có lời khuyên gì với các startup?
Ông Ninh Gia Hạnh: Tôi quản lý vài doanh nghiệp với hàng trăm nhân sự. Trong khi đó, tôi cũng có gia đình, cũng có con cái, cũng cần nhiều thời gian hơn, cần mang lại giá trị cho nhân viên cũng như cho xã hội.
Vì vậy tôi đã quyết liệt làm cuộc cách mạng trong quản lý công việc thông qua sử dụng ứng dụng (app) để vận hành doanh nghiệp mọi lúc mọi nơi.
Từ khi áp dụng công nghệ quản lý mới, hiệu suất công việc của công ty đã tăng tới 8 lần. Và điều đặc biệt là mọi người đều làm việc trong một niềm hân hoan bởi vì họ không còn bị quản lý thời gian bởi máy chấm công và cũng không bị bắt xuất hiện hàng ngày ở công ty. Mọi công việc đều được giải quyết thông qua những nhiệm vụ trên app.
Đối với các doanh nghiệp startup, ngoài làm việc cần cù thì hãy làm việc theo cách thông minh hơn, hãy để các ứng dựng công nghệ biến mọi thứ trở nên tuyệt vời và dễ dàng hơn.
Nhiều khi startup hay tập trung quá vào sản phẩm nhưng hiệu quả công việc cũng là một vấn đề cần quan tâm. Các startup phải luôn luôn học hỏi và ngủ ít đi. Đôi khi tôi thấy các bạn tụ họp nhiều quá khiến mất rất nhiều thời gian.