Thomas Jefferson – vị công thần khai quốc của nước Mỹ này có thể lưu danh đến hậu thế, có lẽ không phải vì học thức rộng, học vấn uyên thâm, cũng không phải vì quyền cao chức trọng, lý lịch ấn tượng, mà là vì tư tưởng dân chủ và lý niệm tự do của ông.
Trong số các công thần khai quốc của nước Mỹ, nếu như luận về tài học và tri thức, thì không nghi ngờ gì Thomas Jefferson là người đứng đầu, không ai có thể sánh được. Nếu như nói Washington ngồi trên lưng ngựa mà giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh độc lập, thì Jefferson mới là người nghĩ về cuộc cách mạng nước Mỹ. Nếu như nói Jefferson là nhân tài hiếm có, thì có lẽ cũng không quá đáng. Những lĩnh vực mà ông nghiên cứu và tìm tòi là rất nhiều và phức tạp, nếu liệt kê ra thì sẽ khiến cho người ta phải tặc lưỡi, tròn mắt. Ngoại trừ sự nghiệp chính trị mà ai cũng biết rõ, thì đồng thời Jefferson cũng là chuyên gia trong các ngành như nông nghiệp học, viên nghệ học (nghề làm vườn), kiến trúc học, địa lý học, khí tượng học, từ nguyên học (nguồn gốc của các từ), khảo cổ học, toán học, mật mã học, trắc lượng học và cổ sinh vật học; về phương diện ngôn ngữ, ngoại trừ tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, ông còn tinh thông 5 thứ tiếng là Pháp, Ý, Tây Ban Nha, tiếng Hà Lan, tiếng La Tinh, và cả tiếng Hy Lạp cổ mà thời đó ít người biết đến; ngoài ra, ông còn kiêm nhiều vị trí như luật sư, nhà chính luận, nhà tự nhiên học, nhà ngôn ngữ học và Hội trưởng Hội Triết học Mỹ; thậm chí trong nhiều hoàn cảnh trước công chúng, vị bác học đa tài này còn là một tay chơi violin rất được hoan nghênh.
Một nhà sáng lập Hợp chủng quốc đa tài như vậy, một vị “kiến quốc chi phụ” học vấn như một học giả bách khoa toàn thư, quả thực khiến cho các thế hệ người Mỹ tự hào khôn nguôi. Trong lòng của nhiều người dân nước Mỹ, Jefferson là một vị tổng thống có thiên tư cao nhất, đa tài đa nghệ nhất. Khí chất của một học giả trong Jefferson, cho đến niềm đam mê vô tận của ông đối với học thuật và tri thức, khiến cho ông nhìn không thuận mắt giới quan trường lễ nghi phiền phức, xã giao bề ngoài, lại càng chán ghét những đấu đá qua lại, kẻ lừa người dối trên vũ đài chính trị. Cũng vì vậy, ông thực sự không muốn đặt mình trong chốn quan trường phức tạp và vòng chính trị dơ bẩn, cho dù sau này dấn thân vào chính trị, thì cũng là vì tinh thần trách nhiệm bất đắc dĩ mà thôi, chứ không phải là chí thú với việc đó.
Vậy nhưng việc không như ý. Do rất nhiều nguyên nhân, sóng gió của thời đại cứ cuốn ông vào vòng xoáy chính trị hết lần này tới lần khác. Nếu xem lại cuộc đời của Jefferson, thì một nửa cuộc đời ông là ở trong hỗn loạn, sống qua ngày trong giới chính trị tranh quyền đoạt lợi, xứng danh là “người tâm phúc của Washington”. Bắt đầu từ năm 26 tuổi đảm nhận vị trí nghị viên của Hạ nghị viện bang Virginia. Trong cuộc đời 40 năm làm chính trị của mình, ông đã từng đảm nhiệm vị trí quan chức an ninh quân hạt, tổng chỉ huy dân binh, nghị viên bang, đại biểu của quốc hội lục địa, chủ tịch ủy ban soạn thảo tuyên ngôn độc lập, đặc phái viên tại Pháp, hội viên ủy ban chỉnh sửa pháp luật của quốc hội, Thống đốc bang Virginia, nghị viên quốc hội liên bang, đại sứ tại Pháp, cuối cùng là Ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ, Phó Tổng thống thứ hai và hai nhiệm kỳ làm Phó Tổng thống đời thứ ba; ông chỉ huy bộ đội dân binh, kỵ binh và bộ binh hoàng gia của quận hạt Alberta; sáng lập ra Đảng Dân chủ Cộng hòa (tiền tân của Đảng Dân chủ Mỹ), và có một lần làm lãnh tụ của đảng đối lập. Nếu tìm kiếm trong số rất nhiều các Tổng thống Mỹ, thì khó có thể tìm được một nhân vật chính trị có lý lịch công chức hoàn chỉnh như Jefferson.
Vị này đối với chính trị mang theo một tâm thái “hứng thú mà không hứng thú”, thuộc vào hàng có quyền lực đỉnh cao nhưng nhiều lần bộc lộ ý muốn quy ẩn, tuy vậy những cống hiến trong cuộc đời chính trị của ông đã chinh phục được sự tôn kính của quảng đại xã hội nước Mỹ. Hơn 200 năm nay, Jefferson được công nhận là một trong những công thần khai quốc của nước Mỹ có cống hiến lớn lao nhất và có sức ảnh hưởng lớn nhất. Tại bang South Dakota ở vùng Trung Tây nước Mỹ, có một “Công viên quốc gia núi tổng thống” rất nổi tiếng, trong công viên thì bức tượng lớn điêu khắc hình tượng của Jefferson cao 18m, đặt cùng với tượng đầu của ba vị Tổng thống khác là Washington, Theodore Roosevelt, và Abraham Lincoln – được điêu khắc ngang nhau trên đỉnh núi Rushmore. Mà ở thủ đô Washington sầm uất, lại dành riêng ra một mảnh đất để xây một “Đài tưởng niệm Jefferson”, để cho thế nhân chiêm ngưỡng vĩnh viễn. Chính như chuyên gia nghiên cứu về Jefferson là nhà lịch sử Meriel Peterson trong cuốn “Jefferson và tân quốc gia”, đã bình luận về Jefferson như sau: “Không có một nhà sáng lập nào có ảnh hưởng đối với cuộc sống và hy vọng của thế giới mới này lớn và lâu dài hơn so với Jefferson. Được biết đến từ việc trở thành lãnh tụ của thuộc địa trong cuộc vận động chống đế quốc, ông đã thể hiện được khát vọng đối với tự do và tiến bộ của quốc gia này.”
Jefferson đã dành được sự tôn sùng và lễ độ cao như vậy của xã hội và giới học thuật nước Mỹ, đương nhiên là nhờ thực tài của mình. Tiếng thơm mà vị khai quốc công thần của nước Mỹ này lưu lại cho hậu thế, không phải là vì học thức quảng đại, học vấn uyên thâm, cũng không phải là vì ông có quyền cao chức trọng, lý lịch ấn tượng, mà là bởi vì tư tưởng dân chủ, lý niệm tự do của ông. Jefferson từng viết ra một câu kinh tâm động phách như thế này: “Tôi đã từng tuyên thệ trước thánh đàn của thượng đế rằng, nếu một chính quyền chuyên chế bạo chính vô luận là dùng bất kể hình thức nào giam cầm tâm linh của nhân loại, thì tôi sẽ vĩnh viễn phản đối, và đấu tranh với nó đến cùng.” Ông có sự cảnh giác và phản đối bất biến đối với bạo chính, quân chủ chuyên chế, quý tộc đặc quyền. Ông có sự tìm tòi và theo đuổi cần mẫn không ngừng nghỉ đối với tự do, dân chủ, nhân quyền. Sự thiết kế tỉ mỉ và bảo vệ hết mình của ông đối với nhân quyền cơ bản, tự do dân chúng, chính thể dân chủ đã trở thành một trong những điều đẹp nhất trong lịch sử nước Mỹ, cũng đã viết nên những trang huy hoàng nhất trong cuộc đời nhân sinh của ông.
Chính như lời khắc trên bia mộ “không thừa một chữ” mà ông đã tự soạn cho bản thân mình, kể ra ba công trạng đáng mừng nhất trong cuộc đời ông—đều là các thành tựu trên phương diện giành lấy dân chủ tự do. Khối bia bằng đá vôi không hoa văn, trắng hoàn toàn nằm sừng sững ở Monticello, bang Virginia, có khắc một dòng chữ đơn giản như sau:
“Đây là nơi an nghỉ của Thomas Jefferson, người soạn thảo tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, tác giả của luật tự do tôn giáo Virginia, và là người sáng lập của đại học Virginia.”
Với ba câu ngắn gọn, khái quát cho sự nghiệp của cả đời mình, nhưng lại không hề nói đến chuyện cuộc đời mình có 8 năm làm Tổng thống Mỹ. Hiển nhiên, trong tâm Jefferson, ba việc nói ở trên so với việc làm Tổng thống Mỹ thì có giá trị và ý nghĩa hơn, cũng có sức nặng hơn. Từ bia mộ mà Jefferson tự viết cho mình, có thể thấy hết được lòng nhiệt thành của một thế hệ các vĩ nhân chính trị. Một phong cách không giống ai, không khỏi khiến người ta kính phục. Việc viết bia mộ của mình như thế nào, cũng thể hiện ra được độ sâu của sinh mệnh và nhân cách cao độ. Bia mộ mà Jefferson viết, không khiến cho người ta thất vọng.
Đọc qua các loại sách viết về tiểu sử của Jefferson, thì trong cuốn sách uy tín nhất là “Thomas Jefferson và thời đại của ông”, tác giả Duma Malon đã viết với tất cả lòng kính trọng: “Nếu trên thế giới vẫn còn kính trọng mỹ đức, trí tuệ và tinh thần phấn đấu, thì phẩm cách của ông giống như là một tấm bia lớn, cho người ta thấy rõ rằng tự do và nhân quyền đã chiến thắng sự thống trị của bạo chính và quý tộc, những người tự do sẽ đoàn kết dưới tấm bia, đón mừng thắng lợi. Làm một người xúc tiến tự do cá nhân và tôn nghiêm nhân loại, Jefferson không chỉ thuộc về đồng bào của chính bản thân đất nước của ông, mà còn thuộc về toàn nhân loại.”
Đối với hậu nhân mà nói, phẩm cách của Jefferson xác thực là một tấm bia, một tượng đài, mà lời khắc trên bia mộ của ông cũng giống như thế.
Thành Đô
Nguồn: Trí thức trẻ