Với kiểu dáng thời trang, gọn nhẹ và hữu dụng, mắt kính thông minh Spectacles đã “ẵm trọn” 3 giải Gold tại Liên hoan Sáng tạo toàn cầu.
Vào năm 2016, khi Snapchat chính thức đổi tên thành Snap Inc., công ty đã cho ra mắt sản phẩm phần cứng đầu tiên: Spectacles – kính mát tích hợp camera chụp ảnh, quay phim. Sản phẩm này đã đánh dấu trang sử mới về sự chuyển mình đầy bứt phá từ startup ứng dụng nhắn tin qua tập đoàn công nghệ Snap Inc.
Spectacles có thể ghi những đoạn clip dài 10 giây thông qua một ống kích rộng 115 độ, mô phỏng góc nhìn thật của mắt người. Đoạn video sẽ được ghi và phát trong một khung hình tròn, thay vì hình chữ nhật truyền thống, và được gửi không dây đến bộ nhớ của ứng dụng Snapchat. Từ đó người dùng có thể đăng video lên Story của tài khoản, để người thân và bạn bè của mình có thể xem. Kính Spectacles có 3 màu: đen, xanh và đỏ san hô và được bán với mức giá 129,99 USD.
Tại lễ trao giải diễn ra tại Cannes (Pháp), Snapchat đã trở thành một trong những thương hiệu gây chú ý nhất nhờ vào chiếc đu quay cao “chọc trời” được đặt ngay lối vào của lễ trao giải. Chiếc đu quay này cũng thu hút ánh nhìn của thành viên ban hội đồng chấm giải cho thiết kế của Spectacles.
Chiếc mắt kính thông minh đã chiến thắng các đối thủ nặng kí với 3 giải Gold, trong đó có 2 giải ở hạng mục Product Design và 1 giải tại hạng mục Design. Ngoài ra, sản phẩm còn giành giải Bronze ở hạng mục Design, giải Silver và Bronze từ hạng mục Mobile trước đó trong tuần.
Trong khi các giải thưởng tại hạng mục Design và Product Innovation thì thường thuộc về những chiến dịch xã hội, như giải Grand Prix ở hạng mục Product Design thể hiện những nỗ lực của người Colombia trong việc chuyển đổi những trạm điện thoại thu phí thành trạm ngân hàng cho người dân có thu nhập thấp, Spectacles chiến thắng nhờ độ thẩm mỹ, trải nghiệm người dùng và sự liên quan mật thiết với người trẻ.
Bà Ruth Berktold – Chủ tịch hội đồng ban giám khảo của hạng mục Product Design và người sở hữu Germany’s Yes Architecture cho biết: “Thậm chí nếu chiếc mắt kính không thể giải quyết vấn đề của người sử dụng, đây vẫn là sản phẩm có sức ảnh hưởng đến giới trẻ bởi thiết kế thời trang và hữu dụng của nó.”
“Spectacles hiện đã được bày bán trên thị trường và chúng tôi rất thích cách thức mà nó hoạt động. Với thiết kế đơn giản cùng một chiếc camera tích hợp trên mắt kính, Spectacles chắc chắn là sản phẩm sẽ có tác động tích cực đến giới công nghệ.”
Tại hạng mục Product Design, Spectacles giành 2 giải Gold ở danh mục Innovation và Electronics, Entertainment & Consumer Technology.
Tại hạng mục Design, Spectacles nhận giải Gold ở danh mục Temporary & Pop-Up Environment and Experience Design, giải Bronze ở danh mục UX Interface and User Journey.
Ngoài ra, Spectacles cũng nhận giải Silver (danh mục Connected Devices) và giải Bronze (danh mục Wearable Technology) tại hạng mục Mobile.
Chủ tịch hội đồng ban giám kháo chấm hạng mục Design – Sandra Planeta, đồng thời là Founder và Creative Director của Planeta Design (Thuỵ Điển) cho rằng Spectacles đã chứng minh một thương hiệu có thể phát triển thành công nếu như kết hợp triết lý thiết kế trong suốt quá trình hoạt động. Đối với các doanh nghiệp trong tương lai, khi đã biết, để xây dựng thương hiệu cần sử dụng thiết kế một cách hiệu quả thì họ nên làm mọi cách để thực hiện điều đó. Các doanh nghiệp nên thực hiện truyền thông thông với mọi TouchPoint (thời điểm khách hàng tiếp xúc với thương hiệu) dù lớn hay nhỏ đều sẽ đem đến những ảnh hưởng nhất định.
Mặc dù thể hiện là một đối thủ hạng nặng tại hạng mục Product Design, Spectacles vẫn chưa thể giành giải Grand Prix, thay vào đó, giải thưởng danh giá này đã thuộc về chiến dịch “Payphone Bank” được thực hiển bởi TigoUne, agency Grey Colombia và production La Octava Bogota. Chiến dịch hướng đến chuyển đổi những trạm điện thoại thu phí bình thường trở thành các trạm ngân hàng cho vay những khoản vay mượn nhỏ, với đối tượng là người dân không thể chi trả cho ngân hàng truyền thống.
Cùng xem case study clip bên dưới nhé:
Tại lễ trao giải, khi thông báo chủ nhân của giải Grand Prix, một số nhà báo đã đặt câu hỏi về tính xác thực của case study được trình chiếu. Họ cho rằng một số tính năng được miêu tả trong video chưa được kích hoạt trên Payphone Banks. Tuy nhiên, ban giám khảo hạng mục Product Design cho biết họ đã yêu cầu các nghiên cứu kiểm tra tính xác thực của chiến dịch và họ đều hài lòng với tính chính xác của kết quả được tìm thấy.
Bên cạnh Snap Spectacles, chú “Sư tử vàng” duy nhất được trao cho thương hiệu Mỹ tại hạng mục Product Design là chiến dịch Amnesty International’s Refugee Nation đến từ Ogilvy New York. Chiến dịch đã tạo ra một lá cờ rất truyền cảm hứng, có hình dải cứu thương, nhằm đại diện cho những người tị nạn không còn quốc tịch.
Trâm Anh / Brands Vietnam
* Nguồn: David Griner / Adweek