Người dân Thái Lan xếp hàng mua nước rửa tay sát khuẩn và khẩu trang tại một điểm bán của nhà nước ở thủ đô Bangkok ngày 6-3 – Ảnh: REUTERS
Những ai vi phạm sẽ đối mặt mức án tù lên đến 5 năm và mức phạt tiền có thể lên đến 100.000 baht (khoảng 73,5 triệu đồng VN).
Đây là mức giá dành cho loại khẩu trang sản xuất ở Thái Lan vừa được Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng thương mại Jurin Laksanawisit thông qua. Mức giá này không tính cho các loại khẩu trang còn tồn kho và sẽ được áp dụng từ ngày 9-3.
Cục Nội thương (DIT) của Thái Lan sẽ kiểm soát 100% việc sản xuất 36 triệu khẩu trang mỗi tháng. Thái Lan hiện có 11 nhà máy sản xuất khẩu trang trên toàn quốc với khả năng sản xuất 1,2 triệu chiếc/ngày.
Theo dự tính, DIT sẽ chuyển 700.000 khẩu trang/ngày cho Bộ Y tế và các bệnh viện công lẫn tư; 500.000 còn lại sẽ bán ra ngoài theo hệ thống các cửa hàng hoặc điểm bán lẻ lưu động. DIT sẽ sử dụng 111 xe tải để chuyển khoảng 300.000 khẩu trang trong số đó đi khắp nước.
Bộ Thương mại Thái Lan khẳng định nhu cầu về khẩu trang ở nước này đã tăng từ 30 triệu chiếc/tháng lên 40-50 triệu chiếc/tháng sau khi xuất hiện các ca nhiễm COVID-19. DIT sẽ ấn định hạn mức bán khẩu trang cho các cá nhân, những người bán trực tuyến và cửa hàng bán lẻ, trừ những cơ sở y tế.
Tuy nhiên, theo báo Bangkok Post, các cơ sở sản xuất có phản ảnh việc mức giá thành hiện đã 3-4 baht/chiếc nhưng họ bị buộc bán cho DIT với mức giá 2 baht/chiếc.
Chính quyền Bangkok cũng vừa thông báo kế hoạch phát miễn phí 30 triệu khẩu trang vải có thể giặt để tái sử dụng cho khoảng 10 triệu người tại thủ đô Bangkok và những thành phố đông dân cư khác với mức dự kiến 3 chiếc/người.
Bộ trưởng công nghiệp Thái Lan Suriya Jungrungreangkit cho hay trong tháng 3 này, bước đầu chính quyền sẽ phát miễn phí 10 triệu khẩu trang vải cho người dân thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận với số lượng khoảng 300.000 chiếc mỗi ngày.