Ngân hàng Nhật: Sáp nhập hay là “chết”?

Nhiều năm nay khi dân số Nhật ngày một giảm, công việc kinh doanh của các ngân hàng trở nên khó khăn bởi các vùng nông thôn cứ ngày một thưa vắng khách hàng.

Ngân hàng Nhật: Sáp nhập hay là “chết”?

Không phải ngân hàng nào cũng có đủ tiềm lực để vươn ra thị trường nước ngoài như Mitsubishi UFJ – Ảnh: Reuters

Đã từng có lúc, ông Hiroshi Iwama và ông Mitsunori Watanabe, hai sếp của hai ngân hàng địa phương khá lớn tại Nhật nói đến việc sáp nhập ngân hàng của họ. Nhưng với họ, khi đó tất cả chỉ là câu nói đùa. Khi Ngân hàng Trung ương Nhật bắt đầu áp dụng chính sách lãi suất âm từ năm ngoái, công việc kinh doanh của họ ngày một khó khăn hơn, theo nhận định được đưa ra bởi Bloomberg.
Ông Hiroshi Iwama đang giữ chức CEO ngân hàng Mie còn ông Mitsunori Watanabe đảm nhiệm chức vụ CEO ngân hàng Daisan, hai trong số khoảng hơn một trăm ngân hàng khu vực của Nhật. Đã nhiều năm nay khi dân số Nhật ngày một giảm, công việc kinh doanh của các ngân hàng trở nên khó khăn bởi các vùng nông thôn cứ ngày một thưa vắng khách hàng.
Khi Ngân hàng Trung ương Nhật thay đổi định hướng chính sách tiền tệ, công việc kinh doanh của họ càng trở nên khó khăn hơn.
Ông Hiroshi Iwama buồn rầu nói: “Những gì chúng tôi lo sợ cuối cùng đã trở thành sự thật”. Tháng Hai năm nay, hai ngân hàng này đã công bố chính thức kế hoạch sáp nhập.
Khi mà áp lực kinh doanh khó khăn ngày một đè nặng lên vai các ngân hàng, họ buộc phải tính đến việc sáp nhập. Theo tính toán của công ty tư vấn Consultancy Bain & Co, khoảng hơn nửa các ngân hàng Nhật sẽ biến mất trước năm 2025 bởi họ đối diện với một lựa chọn đầy khó khăn: sáp nhập hoặc đóng cửa.
Dù rủi ro công việc kinh doanh sụp đổ không hề nhỏ, nhưng nhiều CEO ngân hàng Nhật rất băn khoăn bởi họ lo ngại đến những khó khăn nảy sinh từ việc văn hóa doanh nghiệp đối lập.
Cựu trưởng giám đốc Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật, ông Hirofumi Gomi, nhận xét: “Các ngân hàng Nhật luôn có tâm lý rất tự cao và muốn giữ gìn hình ảnh, văn hóa hoạt động, chính vì vậy, họ sẽ cực kỳ khó chịu ngay từ việc phải đổi tên. Sự tồn tại của các ngân hàng trong thời gian tới sẽ như thế nào tôi không dám chắc, nhưng việc sáp nhập hẳn sẽ là lựa chọn đầy khó khăn đối với họ”.
Việc Ngân hàng Trung ương Nhật áp dụng chính sách lãi suất âm đã khiến lợi nhuận của các ngân hàng sụt giảm rất nhiều. Từ trước đó trong suốt hơn hai thập kỷ, công việc kinh doanh của họ vốn dĩ đã rất khó khăn khi kinh tế Nhật tăng trưởng trì trệ, dân số giảm, người dân các miền quê đổ xô ra thành phố.
Và cũng không giống các tập đoàn tài chính hàng đầu như Mitsubishi UFJ, các ngân hàng địa phương của Nhật không đủ khả năng vươn ra toàn cầu để tìm kiếm thêm khách hàng bù đắp cho sự co hẹp hoạt động ở trong nước.
Tính toán của SMBC Nikkei Securities cho thấy tổng lợi nhuận của 82 ngân hàng Nhật đang có niêm yết cổ phiếu giảm 11% trong năm tài khóa trước và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khoảng 17% trong năm tài khóa hiện tại.
Khi mà nhu cầu tín dụng từ phía người dân thấp, biên lợi nhuận từ hoạt động tín dụng ngày một giảm, không có gì ngạc nhiên khi các ngân hàng đối diện với rủi ro sụp đổ, theo nhận định của chuyên gia phân tích về ngành ngân hàng tại S&P Global, ông Ryoji Yoshizawa.
Ông Yoshizawa nhận định: “Triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng khu vực tại Nhật vô cùng ảm đạm. Rõ ràng họ cần phải có chiến lược mới nếu không sẽ buộc phải đóng cửa.”
Dù miễn cưỡng, các ngân hàng Nhật cũng đã phải chấp nhận việc sáp nhập. Từ năm 2003 đến nay, đã có 21 vụ sáp nhập trong các ngân hàng Nhật và tốc độ này đang tăng dần lên, theo tính toán của Viện nghiên cứu Daiwa.
Từ đầu năm 2017 đến nay cũng đã có ba vụ sáp nhập ngân hàng. Khảo sát từ những kết quả ban đầu cho thấy hoạt động sáp nhập bước đầu đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho hoạt động của các ngân hàng.
Tuy nhiên, các ngân hàng Nhật còn vô vàn khó khăn trước mắt. Từ năm 2025, tiêu chuẩn về vốn của các ngân hàng sẽ bị thắt chặt hơn, cuộc chạy đua tăng vốn sẽ trở nên căng thẳng trong bối cảnh không nhiều nhà đầu tư tin tưởng vào triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng vì thế họ sẽ gặp khó khi thuyết phục nhà đầu tư.
Trước đây, từng có thời các ngân hàng Nhật dễ làm ăn bởi khi đó hàng loạt doanh nghiệp nhỏ của Nhật đang trong thời kỳ xây dựng nhà máy, thu nhập của các hộ gia đình tăng khi kinh tế Nhật phát triển tốt, vì vậy họ có xu thế mua sắm nhiều hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, kiếm được người có nhu cầu vay tiền ở các miền quê là điều cực kỳ khó bởi chỉ còn toàn người già sống ở đây, và tất nhiên đa phần người già quan tâm nhiều đến nhà dưỡng lão chứ ngân hàng chỉ là nơi họ đến rút tiền.
Người trẻ Nhật đổ xô ra các thành phố để sống. Tại tỉnh Mie, đến năm 2035, dân số ước tính sẽ giảm khoảng 13%, cao hơn nhiều so với mức giảm 9,3% trung bình trên toàn nước Nhật.

TRUNG MẾN

Nguồn: Bizlive

Mời Anh Chị xem Hành trình lịch sử VietnamMarcom

X