Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhiều thay đổi sâu sắc trong ngành thương mại điện tử nửa đầu năm 2020. Chuyển biến này ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định chiến lược của marketer, một trong số đó là vai trò ngày càng quan trọng của chuỗi cung ứng trong quá trình xây dựng thương hiệu.
Bài viết được biên tập dựa trên nội dung thảo luận giữa ông David Tiltman, Phó Giám đốc Nội dung tại WARC, cùng với bà Tiffany Lilze, Giám đốc cung ứng TMĐT cấp cao tại P&G Bắc Mỹ, và ông Patrick Miller, đồng sáng lập Flywheel.
* Tại sao marketer nên quan tâm đến các thách thức trong chuỗi cung ứng thương mại điện tử?
Trong một thời gian dài, nhiệm vụ của markerter là tạo ra nhu cầu để kéo người dùng đến cửa hàng, chọn sản phẩm cho vào giỏ hàng. Còn quá trình đóng gói và vận chuyển sản phẩm về nhà an toàn đều do người mua chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, thương mại điện tử đang dần chuyển dịch trách nhiệm đó từ người dùng sang các thương hiệu và nhà bán lẻ. Những vấn đề như sản phẩm hỏng hoặc chảy đổ đều tạo nên trải nghiệm tiêu cực lên Second Moment of Truth (khoảnh khắc sử dụng sản phẩm sau mua), từ đó gây bất lợi cho hình ảnh thương hiệu. Do đó, các marketer cần giải quyết tốt các vấn đề trong chuỗi cung ứng thương mại điện tử.
* Để giải quyết thách thức trên, P&G đã có những chính sách gì?
P&G sở hữu một chuỗi cung ứng khổng lồ trên toàn cầu, do đó chúng tôi luôn phải cải tiến quá trình giao nhận hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Tiêu biểu trong số đó là dự án cải tiến bao bì cho nhãn hàng Tide mà chúng tôi đã thực hiện trong hơn 3 năm. Nước giặt tẩy là thử thách lớn cho thương mại điện tử vì chúng nặng, chiếm không gian và dễ rò rỉ trong khi giá bán lẻ lại khá thấp. Thường thì các nhà bán lẻ chu đáo sẽ bọc thêm bìa carton hoặc màng xốp hơi để bảo vệ sản phẩm – tiêu tốn thêm chi phí và nguồn lực của họ.
Và Tide Eco-box là một giải pháp giúp việc vận chuyển hiệu quả hơn. Nước giặt được chứa trong hộp carton với gấp đôi lớp bảo vệ, mang đến trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, Hơn thế nữa, P&G cũng đầu tư sản xuất 4.000 bao bì đạt chuẩn SIOC (Ship in Own Container của Amazon) cho nhiều nhãn hàng để đảm bảo việc vận chuyển thuận lợi và làm hài lòng khách hàng mỗi ngày.
* Marketer nên nhìn nhận thế nào về chuỗi cung ứng?
Cải tiến chuỗi cung ứng là biện pháp tăng trải nghiệm khách hàng từ đó tạo động lực tăng trưởng cho doanh thu gộp. Do đó, marketing và chuỗi cung ứng luôn cần phát triển song hành cùng nhau. Vì dù marketer có tạo ra nhu cầu, nhưng sản phẩm lại không có sẵn để vận chuyển đến khách hàng thì mọi nỗ lực trước đó đều vô nghĩa. Marketer cần đặt bản thân dưới góc nhìn của người làm chuỗi cung ứng để hiểu những khó khăn và vấn đề quan trọng cần giải quyết.
* Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng gì đến thương mại điện tử và chuỗi cung ứng?
Khách hàng hiện sẵn lòng đặt mua nhiều mặt hàng trực tuyến, và trong tương lai, họ có thể sẽ quen với hành vi mới này.
Ngành bán lẻ và thương mại điện tử đã có những bước chuyển đổi đáng ngạc nhiên để thích nghi với thói quen mua sắm mới của người dùng. Khách hàng hiện sẵn lòng đặt mua nhiều mặt hàng trực tuyến, và trong tương lai, họ có thể sẽ quen với hành vi mới này. Do đó, các nhà bán lẻ đang đầu tư nhiều hơn vào chuỗi cung ứng để phục vụ tốt hơn.
* Tại sao đây là thời điểm thích hợp cho các hoạt động xây dựng thương hiệu?
Xây dựng thương hiệu không chỉ dừng ở việc thu hút sự chú ý của khách hàng mà còn phải tạo nên trải nghiệm tốt cho quá trình sau mua. Tuy nhiên, mỗi nhà bán lẻ và mỗi đơn vị giao nhận lại có nhiều khác biệt trong quy trình làm việc. Đây là cơ hội để thương hiệu và đối tác cùng tạo nên phương pháp tiếp cận toàn diện hơn, đầu tư vào những công nghệ và bao bì phù hợp hơn.
Tôi nghĩ marketing và chuỗi cung ứng cần sự hợp tác chặt chẽ để gia tăng tổng thể trải nghiệm khách hàng và tối đa hoá doanh thu để có thể tăng trưởng.
* Cám ơn sự chia sẻ của ông bà.
Theo Thành Toàn / Brands Vietnam
* Nguồn: Lions Live