.Cuộc trò chuyện của "bố" Hải ở Trường THPT Nguyễn Trãi ("Không sáng tạo, anh sẽ bị đào thải", Tuổi Trẻ 19-11-2007) đã làm xúc động lòng người! Xúc động không chỉ vì đức tài của một thầy giáo dạy hóa thuộc vào hàng "tứ trụ” của TP.HCM. Mà trên hết, là từ trái tim trọn vẹn yêu thương dành cho học trò.
Đó là thầy Ung Thanh Hải, tuổi 60, râu bạc, tóc bạc nhưng giảng "như mình mới 30 tuổi" mỗi khi lên lớp, thức khuya dậy sớm để nghĩ ra đủ "chiêu thức" cho học trò dễ hiểu, dễ nhớ.
Không màng địa vị, không màng danh hiệu, giải thưởng, thầy chung thủy với mái trường Nguyễn Trãi "không chuyên", với đám học trò quận 4 phần lớn còn nghèo và không "nổi" bằng học trò trường khác. Vui nhất khi thấy học trò ham học, buồn nhất khi thấy học trò không hiểu bài. Giản dị vậy thôi, trái tim người thầy! Không nhà cao cửa rộng, tài sản lớn nhất sau 30 năm dạy học của thầy là tiếng gọi "bố ơi" mà nhiều thế hệ học trò Nguyễn Trãi đã cất tiếng gọi thầy như gọi một người cha!
Bỗng nghĩ đến những thầy cô vùng lũ đang cùng mọi người phơi sách, đóng lại bàn ghế, dựng tạm lại trường, từng có người đã hi sinh tính mạng khi cứu người trong lũ; ngày 20-11 này chắc là có thầy cô không nhận được hoa...
Bỗng nghĩ đến những thầy cô vùng cao đang trèo đèo lội suối, nhọc nhằn mang từng con chữ đến các bản làng, có người đã hi sinh cả tuổi thanh xuân nơi xa vắng; ngày này có thể có thầy cô chưa nhận được hoa...
Và nghĩ đến những thầy cô không biên chế, có người đã 10 năm, 15 năm vẫn cặm cụi với đám học trò "bụi đời" ở lớp học tình thương bên bãi rác, vỉa hè, công viên; ngày này cũng có khi không có hoa...
Trái tim người thầy luôn tràn đầy tình yêu thương học trò, đó chính là sức mạnh để mỗi người thầy vượt lên khó khăn làm tròn thiên chức người thầy. Trái tim người thầy - tạo nên hình ảnh cao quí của người thầy "cây cao bóng cả” mà bao thế hệ học trò giữ mãi trong tâm suốt cả cuộc đời, để rồi ngay cả khi tóc đã hoa râm, vẫn thốt lên hai tiếng "thầy ơi" mà lòng cứ rung động bồi hồi như thời còn cắp sách đến trường.
DUYÊN TRƯỜNG